MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với hình thức học online, nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Sức khoẻ không tự tin để thi, kiểm tra kiến thức về môn học. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Sinh viên ngành Sức khoẻ phản đối thi online: Nhà trường đổi phương án

HUYÊN NGUYỄN LDO | 16/04/2020 18:22

Không ít sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, đặc biệt là sinh viên khối ngành Sức khỏe đã có những phản ứng liên quan tới kế hoạch thi online của nhà trường.

Kiến thức chỉ nắm “lờ mờ”

Ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên trong thời gian qua, nhiều trường đại học trên cả nước đã tổ chức học và đánh giá kết quả qua hình thức online. Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin một số môn sẽ tổ chức thi online, không ít sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) lên tiếng phản đối việc này.

Trên trang Confessions (trang ẩn danh) của HIU, sinh viên cho biết, việc thi online là không khả thi và gây ảnh hưởng nhiều đến sinh viên do các yếu tố khách quan.

Một Confessions bày tỏ: “Khi học trên trường, thầy cô giảng 10 thì ít nhất em nắm 6-7, học online thì chỉ nắm 4-5. Mà cũng tùy từng lúc, có lúc mạng yếu. Tài liệu tự tìm kiếm không biết có chính xác không, rồi bài giảng dài, có những môn còn không có tương tác qua lại thì nắm được 4, 5 là quá khó”. Vì vậy, sinh viên này cho rằng với chất lượng học, hệ thống mạng như vậy, thi online là không hợp lí.

Chia sẻ tương tự đến từ sinh viên khối ngành Sức khoẻ: "Em khẩn xin quý lãnh đạo nhà trường và thầy cô có thể xem xét lại việc thi giữa kì và cuối kì bằng hình thức online. Chúng em học khối ngành Sức khỏe liên quan đến tính mạng con người, việc học online chúng em rất cố gắng nhưng kiến thức nhận được chắc chắn sẽ không bằng khi học trực tiếp với thầy cô ở trường….

Là sinh viên năm cuối em luôn trong tâm thế cố gắng, cố gắng để được ra trường đúng hạn với nguồn kiến thức được chắc chắn chứ không lờ mờ như bây giờ".

Nhà trường sẽ cho thi thử

Trả lời Lao Động, NGND.PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, biện pháp cách ly xã hội đang được thực hiện một cách nghiêm ngặt, việc học online là lời giải duy nhất khi muốn duy trì tiến độ học tập của sinh viên.

NGND.PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: HIU

Sau khi có phản ứng của sinh viên, nhà trường đã tiến hành hỏi ý kiến sinh viên về việc học và thi. Theo đó, hơn 80% các em đánh giá là giảng viên cung cấp đầy đủ tài liệu, hơn 70% các em đánh giá là tài liệu dễ hiểu, dễ học; hơn 76% em đánh giá là giảng viên có bài giảng phong phú, đầy đủ và dễ hiểu, tương tác tốt.

Tuy vậy, chỉ có hơn 50% em trả lời là tự tin sử dụng công nghệ để làm bài thi và hơn 87% em sinh viên cho biết cần tập huấn để thi.

Trước đó, nhà trường dự định sẽ tổ chức thi luôn nhưng sau khi nghiên cứu và xem xét cẩn thận ý kiến của sinh viên đã đưa ra phương án có 1 tuần để thi thử.

"Sinh viên được thực hành với đề thi thử, có đề cương chuẩn bị, làm bài và nộp, nếu điểm cao sẽ được ghi nhận nỗ lực. Vấn đề quan trọng là qua thi thử sẽ rút kinh nghiệm cho thi thật. Sinh viên từng lớp sẽ được giáo viên tập huấn, các biện pháp công nghệ được chuẩn bị để hỗ trợ. Trong quá trình làm bài thi thật, nếu có sự cố nhà trường sẽ xem xét cụ thể để sinh viên có thể thi lại”, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ông Phong cho biết thêm: Với khối ngành Sức khỏe và cả những ngành có các môn học thực hành sẽ đều được hoãn lại chờ đến khi đi học lại sẽ giảng dạy.

Cần nghiên cứu kỹ việc thi online để đảm bảo chất lượng

Liên quan đến vấn đề này, NGND.PGS.TS.BS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Phát triển tiềm năng con người (IPD), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho rằng: Đối với khối ngành Sức khoẻ, kết quả trong học tập chính là thực hành. Sinh viên càng được thực hành nhiều càng tốt, trải nghiệm thực tế từ những môn cơ bản nhất để có những kinh nghiệm trong tương lai.

“Nếu chỉ qua hình ảnh và học trên online thì rất khó. Sự tương tác giữa người dạy và sinh viên cũng là rất cần thiết trong giảng dạy ngành Y, Dược. Không chỉ ở môn thực hành, ngay cả môn lý thuyết, sinh viên cũng phải nắm chắc. Lý thuyết có vững vàng thì thực hành mới tốt được. Với ngành Y, Dược học online là một sự bất đắc dĩ. Tôi không khuyến khích việc này trong lâu dài”, bác sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận định.

Ông Kỳ Anh cho biết thêm: Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì bất đắc dĩ mới phải tổ chức thi online với ngành Sức khoẻ, nhưng theo ông chất lượng sẽ phải hạ thấp xuống. Nếu có điều kiện, việc thi và nghe giảng trực tiếp vẫn là điều hết sức quan trọng.

Khi sinh viên phản đối hình thức thi online tức là các em chưa tự tin với kiến thức của mình thì nhà trường cũng cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ những khó khăn của sinh viên. Nhà trường cần cử giảng viên để bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng đối với những em còn yếu, không thể vì dịch bệnh mà để sinh viên ngành Sức khoẻ nắm không chắc, không sâu kiến thức.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn