MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia cảnh báo về hội chứng "nghiện điện thoại" đang xảy ra với giới trẻ.

Sinh viên “nghiện điện thoại”, sống ảo, xao nhãng chuyện học hành

Bích Hà LDO | 11/11/2017 18:54
Smartphone, mạng xã hội có nhiều ích lợi trong việc khai thác thông tin, tiếp nhận tri thức, tuy nhiên nhiều bạn trẻ đang mắc hội chứng "nghiện điện thoại", dành quá nhiều thời gian cho Facebook và các mạng xã hội khác mà xao nhãng việc học hành.

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu bàn luận trong Hội thảo tập huấn trực tuyến Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên khối các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm; khối các Sở Giáo dục và Đào tạo, diễn ra trong hai ngày 10 và 11.11.

Tại hội thảo, các ý kiến tập trung trao đổi về các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, trong đó có việc tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng…

Hội thảo bàn hướng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV.

Trong đó, rất nhiều đại biểu quan tâm vấn đề tác động của Internet, mạng xã hội đến đời sống tinh thần của học sinh, sinh viên hiện nay. Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đã mang đến cho con người, nhưng nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, có thể ảnh hưởng xấu tới công việc và cuộc sống của người sử dụng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

“Nhiều sinh viên nghiện điện thoại, dành thời gian lướt facebook, zalo nhiều hơn học hành” - TS Lê Đức Hoàng - Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo trung ương chỉ ra thực tế.

Ngoài ra, dưới tác động của cơ chế thị trường, một bộ phận thanh niên, sinh viên có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu trung thực, lười lao động, thích hưởng thụ; số ít còn rơi vào tình trạng cờ bạc, rượu bia, game. Việc này đã làm sinh viên bê trễ học hành, khiến rất nhiều em bị buộc thôi học do kết quả học tập kém.

Đặc biệt hiện tượng sống ảo đã trở thành trào lưu, khi nhiều người trẻ dù ở bất cứ đâu cũng có thể chụp ảnh “tự sướng” rồi đăng mạng xã hội, thậm chí luôn dán mắt vào màn hình điện thoại...

Tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra. Một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình.

Để tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp giúp sinh viên khai thác mạng xã hội, Internet một cách lành mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn