MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vì say mê với việc làm thêm, sinh viên nợ môn phải đóng tiền học lại. Ảnh: Trà My

Sinh viên rối bời khi tiền làm thêm không đủ đóng tiền học lại

Trà My LDO | 28/09/2023 07:42

Vì miệt mài kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống, không ít sinh viên đã bỏ bê việc học, thậm chí số tiền lương nhận được từ làm thêm còn không đủ để đóng tiền học lại.

Kể từ khi xin được một công việc làm thêm là nhân viên phục vụ cho một nhà hàng tại Hà Nội, em Hoàng Hồng Nhung - sinh viên năm 4, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam đã bỏ quên việc học, kết quả học tập bị giảm sút.

Nhung cũng cho biết thêm, trước khi đi làm thêm, Nhung từng là một sinh viên học hành rất chăm chỉ, hầu như mọi thời gian đều dành cho việc học.

“Em bắt đầu đi làm thêm vào đầu năm 3 đại học. Sau mỗi buổi học trên trường, em lại di chuyển thật nhanh về chỗ làm. Buổi làm thêm sẽ bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều và kết thúc vào 10 giờ tối. Về tới nhà để ăn uống, nghỉ ngơi thì cũng khá muộn rồi. Vả lại, đi làm về thì cũng rất mệt mỏi nên em không còn thời gian để ngồi vào bàn học nữa” - Nhung kể lại.

Từ khi làm thêm, Nhung lơ là việc học dẫn đến kết quả học tập ngày càng đi xuống. Chỉ đến khi Nhung thi trượt và phải học lại hai môn, nữ sinh mới quyết định dừng lại việc làm thêm một thời gian để hoàn thiện chương trình học.

“Ban đầu, em luôn nghĩ sinh viên thì ai chẳng đi làm thêm, điểm số thấp một chút cũng không lo lắng nhiều. Nhưng sau khi biết tin thi trượt 3 môn học gồm 8 tín chỉ vào cuối năm 3, em mới xin dừng việc làm thêm lại, tiếp tục học hành để chắc chắn có tấm bằng đại học” - Nhung bày tỏ.

Chia sẻ về tiền lương làm thêm của mình tại nhà hàng, Nhung nói: “Một tháng em làm thêm trừ hết chi phí sẽ dư ra khoảng 3 triệu đồng. Em khá tiếc nuối vì ngay từ đầu mình mải mê kiếm tiền mà không làm tốt nhiệm vụ chính là hoàn thiện việc học”.

Hiện tại, Nhung đang học lại các môn học trên trường. Năm nay, Học viện Thanh thiếu niên thông báo mức học phí là 400.000 đồng/tín chỉ.

“Số tiền của một tín chỉ nhân với số môn em phải học lại rơi vào 3,2 triệu đồng. Chưa kể, mỗi lần thi lại em phải nộp thêm 70.000 đồng/môn. Thú thật, số tiền làm thêm không đủ để em đóng tiền học lại” - nữ sinh than thở.

Tương tự như Nhung, em Đỗ Đức Anh - sinh viên năm 4 của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cũng rơi vào hoàn cảnh đi làm thêm, nợ môn và phải học lại.

“Hầu như kì nào em cũng nợ môn vì bận đi làm thêm. Gia đình em cũng rất khó khăn, nếu không đi làm thêm thì rất khó để có thêm thu nhập” - Đức Anh nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số môn học mà Đức Anh phải học lại bao gồm 6 môn, trong đó có 2 môn học ở năm thứ 2, 1 môn học năm thứ 3 và 3 môn học ở năm thứ 4.

“6 môn học này em đều đạt điểm F. Dù em đã cố gắng để cải thiện việc học nhưng do quá tập trung vào công việc làm thêm nên em không đạt kết quả mong muốn” - Đức Anh chia sẻ.

Mặc dù biết việc nợ môn và phải đóng rất nhiều tiền cho việc học lại là điều không nên nhưng Đức Anh vẫn tặc lưỡi cho qua vì cho rằng bản thân không còn cách nào khác.

“Em vẫn sẽ đăng kí học lại với hi vọng cầm được bằng đại học. Tuy nhiên em vẫn sẽ không bỏ việc làm thêm mà duy trì nó để vừa đi học lại và vừa có thêm một khoản chi tiêu. Để đạt được điều này, em nghĩ mình sẽ phải cố gắng rất nhiều” - Đức Anh cho biết.

Trước tình trạng sinh viên say mê với việc làm thêm mà bỏ bê việc học, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Nam - giảng viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đưa ra lời khuyên: “Sinh viên cần làm tốt vai trò của một người học. Phải xác định được mục tiêu chính của mình để phấn đấu. Sau khi nắm vững những kiến thức cơ bản, có đầy đủ kinh nghiệm, các em sẽ có thể tìm kiếm một công việc tốt. Nếu có ý định làm thêm, hãy biết cân bằng thời gian giữa học và làm cho phù hợp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn