MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để an tâm theo đuổi con đường sư phạm, nhiều sinh viên trông chờ vào Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa: Phong Linh

Sinh viên sư phạm trông chờ Luật Nhà giáo sau vụ học sinh ném dép cô giáo

VÂN HI LDO | 19/12/2023 06:42

Sau vụ học sinh ném dép cô giáo ở Tuyên Quang, nhiều sinh viên sư phạm tại TP Cần Thơ bày tỏ sự hoang mang, trông chờ vào Luật Nhà giáo để an tâm theo đuổi giấc mơ sư phạm.

Trăn trở về vị thế của giáo viên

Từ sau vụ việc cô giáo dạy nhạc bị một nhóm học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dồn vào góc tường đe dọa, chửi bới, Bảo Thu (sinh viên sư phạm Ngữ văn tại TP Cần Thơ) không khỏi hoang mang, xót xa.

Bảo Thu cho biết: "Em thật sự buồn, xót xa khi xem đoạn video cô giáo bị học sinh lăng mạ như thế. Nhìn cô giáo bị nhóm học sinh tấn công nhưng không thể làm gì, bản thân em ám ảnh đến mức khi ngủ cũng mơ thấy".

Theo cô sinh viên này, việc đọc, xem những thông tin liên quan đến những ồn ào không đáng có như học sinh bạo lực giáo viên, bản thân luôn trăn trở với giấc mơ có nên tiếp tục theo nghề.

"Không chỉ riêng em mà sẽ có nhiều bạn đang theo đuổi con đường sư phạm cũng có lúc trăn trở về vị thế của người giáo viên hiện nay. Nghề nhà giáo cũng mong manh, dễ tổn thương khi đứng trước dư luận. Đã không ít thầy cô, các bạn sinh viên vì không chịu được áp lực phải bỏ ngành", Bảo Thu bộc bạch.

Sau vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh dồn vào góc tường, ném dép tại Tuyên Quang, sinh viên Bảo Thu luôn trăn trở với giấc mơ sư phạm. Ảnh: NVCC

"Em nhìn thấy sự bất lực chịu đựng của cô giáo, và em sợ chính bản thân mình tương lai cũng có thể rơi vào trường hợp này. Nếu cô đứng im thì bị học trò đánh, còn phản kháng thì bị quay lại và tung lên mạng vì có hành vi bạo lực", Nguyễn Văn Thiện, sinh viên sư phạm Ngôn ngữ Anh tại TP Cần Thơ nói.

Trông chờ Luật Nhà giáo

Theo chia sẻ của nhiều sinh viên, việc phụ huynh nuông chiều con quá mức, lạm dụng mạng xã hội để theo dõi giáo viên đang tạo nên những áp lực nhất định cũng như gây khó khăn trong công tác quản lí học sinh.

Sinh viên sư phạm Toán Trần Thị Thanh Thủy (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: "Cách đây khoảng 10 năm, lời thầy cô nói như là lời của cha mẹ, học sinh rất mực tôn trọng. Bây giờ, một số phụ huynh nuông chiều con cháu quá mức nên khi vào trường học, thầy cô rất khó để đưa học sinh vào nền nếp vì biết đã có gia đình chống lưng".

Theo Thanh Thủy, đằng sau mức lương thấp, nghề nhà giáo ngoài áp lực công việc, luôn phải cẩn thận trọng từng lời ăn tiếng nói. Đặc biệt, luôn phải gồng mình để hạn chế thấp nhất sự phàn nàn, phản ánh, nặng hơn là khiếu kiện của phụ huynh, bị đăng tải lên mạng xã hội.

Trước những áp lực dư luận đối với nghề nhà giáo như hiện nay, nhiều sinh bày bỏ mong muốn cần có những chính sách để bảo vệ quyền lợi cho thầy, cô giáo.

"Bên cạnh các chính sách đãi ngộ đặc thù của ngành sư phạm thu hút sinh viên, thì những quy định để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên cũng cần được quan tâm. Ít nhất không phải để học sinh sợ mà là để sinh viên có chỗ dựa tinh thần để theo nghề", Nguyễn Văn Thiện nói.

Đồng quan điểm, Trần Thị Thanh Thủy, sinh viên sư phạm Toán cho biết: "Chúng em cần một chỗ dựa tinh thần chính là Luật Nhà giáo đủ mạnh, bao quát để có thể an tâm theo đuổi giấc mơ sư phạm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn