MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên sư phạm trăn trở khi ra trường. Ảnh: Hải Nguyễn

Sinh viên sư phạm với nỗi lo tìm việc sau khi ra trường

Thanh Hằng LDO | 19/03/2024 09:31

Dù nhận được sự động viên, khuyến khích trong hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt hằng tháng nhưng thực tế sinh viên ngành sư phạm vẫn đau đáu nỗi lo tìm việc sau tốt nghiệp.

Sợ thất nghiệp

Vì yêu nghề giáo mà chọn học sư phạm, nhưng điều Nguyễn Hồ Quyết - sinh viên năm 2 ngành sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - luôn đau đáu là vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Bởi cơ hội để được tuyển dụng và cống hiến cho ngành giáo dục thời gian qua không nhiều.

Nỗi lo đó càng lớn khi sau 2 năm tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Hồ Quyết cho biết, bản thân nhận thấy thực trạng còn nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm, buộc phải làm trái nghề hoặc phụ giúp công việc gia đình.

“Thi vào trường học đã khó, để có được việc làm ổn định lại càng khó hơn. Nhiều sinh viên sư phạm rất khổ tâm, thậm chí, mình đã chứng kiến các anh chị đi trước chật vật xin việc. Nhiều người phải từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng, tìm việc khác làm để trang trải cuộc sống. Mình sợ thất nghiệp” - nam sinh chia sẻ.

Chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu sử dụng

Chia sẻ về nỗi lo của sinh viên, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho hay, hiện các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên Sư phạm.

“Đối với những ngành khác, hầu hết các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo, nhưng riêng ngành sư phạm các trường phải thực hiện chỉ tiêu do Bộ GDĐT đặt ra. Chỉ tiêu phải căn cứ vào 2 yếu tố rất quan trọng, đó là nhu cầu sử dụng của các địa phương và năng lực đào tạo của các trường.

Câu chuyện việc làm của ngành sư phạm tới đây rất sát với nhu cầu sử dụng. Trên cơ sở 63 tỉnh, thành báo cáo, Bộ GDĐT mới giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Như vậy khả năng có việc làm của sinh viên sư phạm là rất cao. Bởi chỉ tiêu đào tạo ra sát với nhu cầu sử dụng của các địa phương.

Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã giao các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức bổ sung khoảng 60.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên đến năm 2026” - ông Nghệ nói.

Là giáo viên có thâm niên trong nghề, cô Hoàng Thị Hằng - giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) luôn trăn trở về tính cần thiết của chính sách thu hút nhân lực theo ngành sư phạm. Cô Hằng hy vọng, Đảng và Nhà nước đẩy mạnh triển khai các biện pháp như tăng lương, tăng phụ cấp nghề và áp dụng các cơ chế đặc thù để đào tạo giáo viên, bố trí việc làm cho sinh viên ra trường. Như vậy, góp phần nâng cao chất lượng, thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.

Về phía người học, cô Hằng khuyên các em cần lựa chọn đúng đắn, rõ ràng ngành học phù hợp với năng lực, sở trường và niềm đam mê của mình.

Đồng thời, cần chủ động tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng mềm, bổ sung ngoại ngữ, trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ, các em sẽ có nhiều cơ hội tìm được công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn