MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường hợp đã "nghỉ chơi" với bạn thân vì xung đột khi ở chung phòng trọ. Ảnh: Tuyết Lan.

Sinh viên thuê trọ với bạn thân: Từ người quen thành "người lạ thoáng qua"

Tuyết Lan LDO | 04/09/2023 20:16

Không ít trường hợp sinh viên thuê trọ cùng bạn thân xảy ra xung đột, từ bạn thân biến thành "người lạ thoáng qua". Có nên ở trọ cùng bạn thân hay không vẫn luôn là băn khoăn muôn thuở của sinh viên.

"Xung đột, từ bạn thân thành người lạ không muốn nhìn mặt..."

Ở trọ cùng bạn "nối khố" sau hơn 1 năm, nhưng Nguyễn Minh Hiền - sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh Tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phải chuyển trọ, không thể tiếp tục ở cùng nhau. Hiền kể, trong khoảng thời gian ở chung, hai người đã có những mâu thuẫn khó hòa giải, xung đột và cãi nhau.

"Thời gian đầu mới ở chung, vì đã thân thiết và hiểu tính nhau nên hai đứa rất vui vẻ, hoà thuận. Tuy nhiên, sau khi ở chung với nhau được nửa năm, chúng tôi thường cãi nhau về việc dọn dẹp phòng, giờ giấc sinh hoạt và không gian riêng. Lúc đầu chỉ tranh luận nhẹ nhàng nhưng lâu dần không tìm được tiếng nói chung, chúng tôi thường xuyên xảy ra xung đột.

Đỉnh điểm là lần cãi nhau khi bạn đi làm về không để gọn đồ đạc lên vị trí quy định mà vứt bừa ra sàn nên tôi nhắc nhở. Bạn không nghe và lớn tiếng gay gắt với tôi. Sau nhiều lần cãi nhau và không thể hoà hợp, tôi đã quyết định dọn qua phòng trọ khác" - Hiền chia sẻ.

Cùng chung hoàn cảnh trên, Nông Thị Mới - sinh viên trường Đại học Văn hoá cho biết, sau khi ở trọ cùng bạn thân hơn 4 tháng, cả 2 đã quyết định tách ra ở riêng. Lý do chủ yếu là do cả hai không tìm được điểm chung trong việc chi tiêu những khoản chung.

“Vì ở trọ nay đây mai đó không xác định ở lâu dài nên tôi muốn mua những đồ dùng như giường, tủ lạnh, điều hoà... ở mức giá vừa phải. Tuy nhiên, bạn tôi lại mong muốn mua đồ xịn, có mức giá cao, không phù hợp với kinh tế của hai đứa. Đây chính là một trong những điểm khác biệt rất lớn của chúng tôi.

Ngoài ra, chúng tôi không phù hợp trong giờ giấc sinh hoạt. Tôi thường ngủ sớm trong khoảng 23h, nhưng bạn cùng phòng thường chơi game và ngủ vào lúc 3-4h sáng. Đêm khuya, bạn chơi game và nói chuyện rất ồn ào dù tôi đã nhiều lần nhắc nhở. Chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều về vấn đề này. Sau khi nhận ra xung đột không thể hoá giải, tôi quyết định chuyển trọ đi nơi khác phù hợp hơn" - Mới nói.

Ở một mình để có tự do

Nhiều người cho rằng tìm được bạn cùng phòng trọ hợp tính, hiểu cho nhau là may mắn. Tuy nhiên may mắn không tự nhiên đến mà phải có sự chia sẻ, thấu hiểu ở cả hai phía.

Theo Nông Thị Mới, tìm bạn ở cùng phòng trước hết cần hiểu rõ tính cách và lối sống sinh hoạt của nhau. Ngoài ra, nên suy nghĩ kỹ khi lựa chọn ở cùng bạn thân vì có thể từ "bạn thân có thể thành người dưng nếu ở chung không hợp.

Để "bảo toàn" tình cảm với bạn thân, Vũ Ngọc Thuý - sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đã lựa chọn thuê trọ một mình.

"Tôi không muốn trong quá trình ở trọ với bạn thân xảy ra xung đột, nghỉ chơi. Đồng thời, cũng không muốn ở cùng người lạ vì sợ trộm cắp, không tin tưởng nên đã thuê trọ ở một mình. Thuê trọ một mình, kinh tế không dư dả nên phòng trọ nhỏ không đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thoải mái, tự do và có không gian riêng tư" - Ngọc Thuý cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn