MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành, trái nghề có đáng lo ngại?

Tường Vân LDO | 21/03/2024 07:11

Việc chọn ngành, chọn nghề luôn là vấn đề khiến phụ huynh, học sinh quan tâm, trước thực trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành, trái nghề.

Nhiều sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp

Chỉ còn khoảng ba tháng nữa, thí sinh sẽ phải chốt đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Thời điểm này, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa diễn ra, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), bày tỏ quan ngại về việc hiện nay, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường làm trái ngành, trái nghề.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, việc học đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT. Ảnh: Vân Trang

Điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng. Do đó, mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời.

Bà Thủy khuyên các học sinh, sinh viên hãy học vì sự phát triển của chính bản thân, phải đóng góp cho gia đình, làm thay đổi những gì còn chưa tốt cho xã hội thay vì chỉ học để có bằng cấp. Ngoài ra, nếu các em học thêm yếu tố về công nghệ, học kỹ năng mềm có thể áp dụng trong lĩnh vực theo đuổi, đào sâu nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra đường đời có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn rất nhiều

“Các em không phải chỉ học 4 năm, 5 năm hay 6 năm đại học là dừng mà phải học nữa, phải cập nhật để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, của khoa học kỹ thuật như vũ bão. Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề” - Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Bà Thủy cũng chia sẻ thêm, hiện nay, ngay từ đào tạo phổ thông đã có nhiều khóa học, học phần liên quan định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ hội để học sinh khám phá bản thân xem thế mạnh của mình ở đâu, niềm đam mê của mình là gì, mong muốn cống hiến và tiếp tục đào sâu ở đâu; từ đó có thể tự định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Lên bậc đại học, các giảng viên sẽ tiếp tục mài giũa, chắp cánh cho ước mơ của các em.

Lưu ý quan trọng khi chọn ngành

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn về trường học, ngành học.

Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh lại có phần khó khăn hơn.

Nên chọn ngành “hot” hay ngành mình yêu thích? Chọn ngành rộng hay ngành hẹp khi thị trường lao động liên tục biến đổi?... rất nhiều câu hỏi được phụ huynh, học sinh đặt ra, đưa lên bàn cân. Điều này là bởi, ai cũng muốn sau 4,5 năm ra trường, có thể tìm được công việc ổn định, thu nhập hấp dẫn.

Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh về vấn đề này, GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành “hot”, ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.

"Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm, nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên nếu các em thực sự theo đuổi ngành mình yêu thích" - ông Thảo phân tích.

Đồng quan điểm như trên, PGS.TS. Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, ngành “hot” hay không “hot” phụ thuộc vào chính mỗi sinh viên. Thay vì chạy theo ngành “hot” hãy biến mình trở thành người "hot".

"Nếu chúng ta giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao thì việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm VIP hay hot là không khó khăn” - bà Hiền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn