MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên trường y chạnh lòng khi nhắc về thu nhập sau ra trường

Kim Nhung LDO | 30/08/2022 19:00
Quá trình học tập kéo dài chưa kể học phí đắt đỏ, cộng thêm mức thu nhập khởi điểm kém tương xứng đã khiến nhiều sinh viên trường y không khỏi chạnh lòng và trăn trở khi nghĩ về tương lai.

Hành trình đến với nghề đầy gian truân

Y tế là một ngành đào tạo đặc thù, mất nhiều thời gian và kiến thức phức tạp hơn các ngành khác. Bởi vậy, để có thể cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp và tự tin hành nghề, một sinh viên trường y sẽ mất trung bình từ 6-8 năm. Quá trình học tập kéo dài là vậy cộng thêm mức thu nhập khởi điểm “kém” tương xứng khiến cho hành trình đến với nghề của sinh viên ngành y càng thêm gian truân. 

Mang trong mình nhiều trăn trở khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ chính thức tạm biệt giảng đường sau 6 năm miệt mài, nỗ lực, Hoài Anh - sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, sau 6 năm học tập tại trường, cô cần phải thực hành liên tục tại các cơ sở khám chữa bệnh thêm 18 tháng nữa mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Chưa kể khi đi xin việc, phải phụ thuộc chỗ mình xin vào đang thiếu vị trí nào để học thêm chuyên môn đó. 

“Mình gần như đã tìm hiểu mọi thứ cho hành trang sau ra trường và điều gì cũng khiến mình lo lắng. Điển hình như sau tốt nghiệp, vào viện học việc sẽ là học việc không lương, không biết bao giờ mới kí được hợp đồng. Kể cả có kí được hợp đồng thì mức lương cũng chỉ khoảng 3 triệu một tháng. Trong khi thu nhập của các bạn đồng trang lứa có lẽ đã gấp 3, gấp 5 lần mình. 

Cứ nhắc đến thu nhập sau ra trường là mình lại thấy chạnh lòng. Nhưng thôi, chắc phải bước được chân vào nghề đã rồi mới tính tiếp đến chuyện lăn lộn với nghề. Mà xem ra hành trình đến với nghề của mình còn gian nan lắm” - Hoài Anh thở dài. 

Nhiều sinh viên trường y trăn trở về mức thu nhập sau khi ra trường. Ảnh minh hoạ: LĐO

Tình yêu nghề cũng có thể bị lung lay

Trước khi bắt đầu chọn trường và theo học ngành y, Mai Hương - sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết bản thân không có suy nghĩ gì nhiều về vấn đề đãi ngộ hay mức lương sau này. Thế nhưng trải qua quá trình học tập tại trường, thực hành lâm sàng tại viện và gần đây nhất là tham gia chống dịch COVID-19, Hương nhận ra việc cải thiện thu nhập cho y bác sĩ thực sự rất cần thiết bởi nếu cứ giữ mãi mức thu nhập như hiện tại, thì tình yêu nghề sẽ dễ bị lung lay lúc nào không hay.

“Mình thấy hầu hết tại các bệnh viện hiện nay, các y bác sĩ, điều dưỡng phải cáng đáng một lượng công việc rất lớn, thậm chí một người có thể phải cân lượng công việc của hai, ba người do tình trạng bệnh nhân đông và nhu cầu về sức khoẻ của người dân tăng cao, trong khi nhân lực còn ít. Chưa kể trước khi trở thành bác sĩ, khối lượng kiến thức sinh viên y phải học sẽ gấp rất nhiều lần so với sinh viên các trường khác. 

Không phải mình đòi hỏi nhưng với quãng thời gian dài mà chúng mình bỏ ra để học tập và cống hiến thì mình thấy mức lương và đãi ngộ hiện tại rất thấp, chưa đủ để động viên khuyến khích tinh thần của sinh viên nói riêng và các y bác sĩ nói chung.

Nhiều anh chị trong nghề từng nói với mình rằng, nếu không phải vì đam mê và yêu nghề thì thực sự họ không biết phải làm sao để tiếp tục theo nghề, khi mà mức lương và đãi ngộ không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra”-  Mai Hương tâm sự. 

Cũng theo Mai Hương, sau 6 năm học ra trường, các bạn sinh viên trường y chưa thể đi làm ngay vì chưa đủ kiến thức và chuyên môn, nên việc tiếp tục phụ thuộc gia đình là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể hiện tại học phí ngành y cũng đã tăng cao khá nhiều, cộng với thời gian học dài, lương và đãi ngộ thấp, khiến con đường chạm tới nghề thuốc cao quý của các sinh viên trường y khó khăn chồng chất khó khăn. 

“Mình có đọc được thông tin đề xuất nâng lương khởi điểm của bác sĩ lên bậc 2. Không biết bao giờ đề xuất này mới được thực hiện nhưng là một sinh viên ngành y chuẩn bị ra trường, mình thấy mức đề xuất này tạm phù hợp với đối tượng sinh viên, bởi chúng mình cần thêm thời gian học hỏi và trau dồi kinh nghiệm.

Còn với các y bác sĩ đã làm việc lâu năm cộng thêm khối lượng công việc lớn thì mức tăng đó có lẽ chưa thực sự thoả đáng” - Mai Hương chia sẻ. 

Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đồng thời, sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn