MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu quan điểm về vụ việc thầy giáo ở Bắc Giang bị tố dâm ô học sinh.

"Sờ đùi, sờ mông" học sinh là dâm ô hay quấy rối tình dục?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền LDO | 07/03/2019 12:38
Những giờ qua đã có nhiều tranh cãi quanh thông tin cơ quan chức năng huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho rằng hành vi "sờ đùi, sờ mông" của thầy giáo Trường Tiểu học Tiên Sơn không phải là dâm ô. Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty luật Thiên Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích về vụ việc.

Dư luận đang "dậy sóng" về kết luận của Cơ quan điều tra Công an huyện Việt Yên về việc không đủ căn cứ xem xét khởi tố tội dâm ô đối với thầy giáo đã có hành vi "véo má, véo mũi, sờ đùi, sờ mông" các em học sinh nữ là môn sinh của thầy. 

Phải khẳng định rằng: Không ai chấp nhận hành vi của ông thầy giáo này trong môi trường ngoài xã hội chứ đừng nói nó đã, đang diễn ra trong không gian học đường. Tôi cực lực phản đối hành vi của ông thầy, tuy nhiên khi nói đến luật thì cần phải minh thị mấy vấn đề:

Hiểu thế nào cho đúng hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô và giao cấu?

Hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân (Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Giao cấu là hành vi quan hệ tình dục. Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý hình sự (Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Còn dâm ô được hiểu là hành vi dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của mình (đụng chạm bộ phận sinh dục của nạn nhân…) nhưng không giao cấu với nạn nhân. Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm nếu nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi và người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên (Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015).

Chết ở cái chỗ "mông, đùi, má, tai" ai dám khẳng định nó là "bộ phận sinh dục".

Ngay trong Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2.1.1998, dâm ô là hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó - Đây là văn bản duy nhất có hướng dẫn về hành vi “dâm ô” đã hết hiệu lực cũng không thể áp dụng trong trường hợp này, rất dễ dẫn đến oan sai.

"Quấy rối tình dục" - có lẽ khái niệm này sẽ là căn cứ phù hợp nhất với hành vi của ông thầy.

Luật Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào từ hành chính, đến hình sự có chế tài "chính xác" cho khái niệm "quấy rối tình dục". Ngay bộ quy tắc về "quấy rối tình dục" làm ra từ năm 2015 cũng rất khó thực thi trên thực tế và đọc từ đầu đến cuối cũng không thấy áp dụng cho môi trường học đường như vụ này.

Duy nhất có một quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013 có vẻ giống để áp dụng xử phạt hành chính thì cũng khá khiên cưỡng. Vì Điều 5 "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" quy định": Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Luật của ta cực nhiều, nhưng khi áp dụng thì cực khổ, như thiên la địa võng giăng mắc khắp nơi, nhưng khi cần để vác ra xử lý lại thiếu hoặc áp đặt khiên cưỡng.

Liên quan đến các loại tội phạm dâm ô, ấu dâm nếu không  xây dựng được một cơ chế, hành lang pháp lý đủ mạnh và nền tảng thực thi pháp luật minh bạch, thì các con, các cháu, các em - nhất là bé gái - luôn lo lắng. Xã hội sẽ còn "lên đồng" mỗi khi vụ việc xảy ra!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn