MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet

Sở GDĐT Hà Nội lên tiếng việc trường ngoài công lập thu phí giữ chỗ, đặt ra luật chơi riêng

Đặng Chung LDO | 07/07/2018 13:46
“Đối với lĩnh vực giáo dục, lòng tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường là điều rất quan trọng. Đồng thời, mặc dù trường tư thục được thực hiện các công tác tự chủ trong nhiệm vụ tuyển sinh, nhất là về tài chính, nhưng phải có tính chất nhân văn của giáo dục trong đó”- đại diện Sở GDĐT Hà Nội nêu quan điểm.

Điểm chuẩn thay đổi theo giờ như sàn chứng khoán, đua nhau đưa ra mức phí giữ chỗ rất cao, hay đề nghị phụ huynh nộp phí ghi danh mà thực chất là mua điểm, để lấy thêm điểm cộng…, tất cả những điều này đã khiến kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay trở nên lạ lùng, kịch tính…

Trong diễn đàn giáo dục “Tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội: Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?” do hệ VOV2 tổ chức ngày 6.7, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội đã lên tiếng về những điểm nóng này.

Góc độ cá nhân, ông Toản cho rằng, xảy ra những điểm nóng trong tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội đến từ hai phía.

Thứ nhất, về phía nhà trường, cách thức tuyển sinh của một số trường ngoài công lập đâu đó vẫn chưa đầy đủ, cẩn thận, do đó đặt ra những giải pháp tuyển sinh còn thiếu nhân văn.

Thứ hai về phía cha mẹ học sinh, do quá lo lắng, sốt ruột nên chưa có sự tìm hiểu kỹ càng.

Nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Phạm Quốc Toản cho biết, Sở GDĐT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn rất đầy đủ, cập nhật và ban hành rất sớm.

Từ ngày 13.4.2018, Sở đã ban hành ngay văn bản số 1353 hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019. Trong đó cũng yêu cầu rất rõ, trước thời gian tuyển sinh các nhà trường phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Đối với các trường ngoài công lập, phải lựa chọn được phương án tuyển sinh và đặc biệt, phải thực hiện "3 công khai" theo Thông tư 36 như các cơ sở giáo dục quốc dân.

Khi có hiện tượng cha mẹ học sinh phản ánh và báo chí nêu, ngay lập tức Sở đã có thêm các văn bản cá biệt gửi các trường.

 Cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 năm nay khiến phụ huynh căng thẳng, mệt mỏi. Ảnh: Sơn Tùng

Trước hiện tượng một số trường thu phí giữ chỗ và không trả lại khi phụ huynh rút hồ sơ, ông Phạm Quốc Toản cho rằng các trường tư thục, ngoài hoạt động theo Luật Giáo dục còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng trong giáo dục đòi hỏi sự nhân văn.

“Đối với lĩnh vực giáo dục, lòng tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường là điều rất quan trọng. Đồng thời, mặc dù trường tư thục được thực hiện các công tác tự chủ trong nhiệm vụ tuyển sinh, nhất là về tài chính nhưng phải có tính chất nhân văn của giáo dục trong đó. Tính chất nhân văn bao giờ cũng là yếu tố quan trọng giúp cho uy tín của nhà trường được củng cố vững vàng hơn” – ông Toản nói.

Về ý kiến cho rằng những bất thường trong mùa tuyển sinh năm nay còn có sự “đóng góp” của Sở GDĐT Hà Nội khi không công bố phổ điểm, việc hạ điểm chuẩn khiến phụ huynh nháo nhào đi rút-nộp hồ sơ, ông Phạm Quốc Toản cho biết, Sở sẽ tiếp thu ý kiến về việc công bố phổ điểm để học sinh và phụ huynh có thêm kênh tham khảo. Đồng thời sẽ nghiên cứu, điều chỉnh để phương án tuyển sinh những năm sau tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn