MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất lượng giáo viên ảnh hưởng lớn tới chất lượng học sinh. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sốc: 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 23/09/2017 06:44
Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22.9. Chất lượng GDPT của chúng ta đang ở đâu, đánh giá theo tiêu chuẩn gì và vai trò của giáo viên như thế nào trong quyết định đến thành công của GDPT là các vấn đề được chuyên gia đưa ra bàn luận và hiến kế. 

Chuyên gia: Người bảo tốt - người chê dở.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã có những tranh luận về việc đánh giá, công nhận chất lượng GDPT ở những góc độ khác nhau. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết mặc dù chất lượng GDPT hiện nay đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng bộc lộ những hạn chế. Trong đó, còn có sự chênh lệch mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng miền, năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh có biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống, hạn chế trong năng lực hợp tác, sáng tạo; công tác hướng nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả cao, định hướng nghề nghiệp của học sinh THCS chưa rõ nét nên phân luồng sau THCS gặp khó khăn, các chính sách phân luồng sau THCS còn thiếu…

Nhìn nhận dưới góc độ đánh giá từ kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), TS Lê Quang Minh (Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học - ĐHQG TPHCM) cho biết: Tôi cũng như rất nhiều người Việt, dường như không tin về chất lượng giáo dục của nước mình. Tôi từng nghĩ rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ giỏi đào tạo gà nòi để đi thi. Thế nhưng PISA đo năng lực học sinh chứ không phải khả năng thi cử vì thế kết quả PISA của Việt Nam xếp hạng cao trên bản đồ thế giới, thậm chí “vượt mặt” các nước lớn là điều chúng ta đáng tự hào và ghi nhận. Ngoài ra, giáo dục nước ngoài tập trung vào chiều rộng còn Việt Nam có nhiều chính sách giáo dục tạo độ sâu nên cũng sẽ có những điều khác nhau. Từ đó, TS Minh cho rằng, GDPT Việt Nam có chất lượng nhưng chưa được người Việt ghi nhận.

Không có năng khiếu cộng thêm việc không tích cực rèn luyện dẫn đến chất lượng, năng lực của giáo viên yếu kém (?). Ảnh minh họa: P.V

70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm?

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng phòng GDĐT chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An - đã đưa ra con số khá sốc: 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm. Theo ông Đình Anh, nghề dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là nghề đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy. Đối chiếu với quan điểm này, giáo viên có năng khiếu sư phạm tỉ lệ rất ít trong khi số lượng học sinh phổ thông rất đông. Không có năng khiếu cộng thêm với việc giáo viên lại không tích cực rèn luyện dẫn đến chất lượng, năng lực yếu kém. Ông Nguyễn Đình Anh cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng giáo dục yếu kém.

Ông Nguyễn Đình Anh bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách đánh giá học sinh xếp theo năng lực học tập khá, giỏi, trung bình như hiện nay. Ông Đình Anh cho rằng chất lượng giáo dục học tập của học sinh cần đạt cả hai mặt là nắm chắc kiến thức văn hóa và thực hành, thí nghiệm thành công kiến thức đã được học.

Bàn về chất lượng giáo viên, TS Phạm Văn Hùng - GĐ Sở GDĐT TT-Huế - bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng chất lượng giáo viên. Theo TS Hùng, phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa đáp ứng các yêu cầu chung, vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên. TS Hùng đề xuất, cần dừng đào tạo cao đẳng hệ sư phạm. Với chương trình GDPT tổng thể như vậy, chất lượng giáo viên hệ cao đẳng không đảm bảo. Giáo viên dạy Tiểu học, THCS phải là những người được đào tạo trình độ đại học. Trong bước quá độ, các trường cao đẳng tập trung đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng dạy mầm non.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), chương trình đào tạo sư phạm của Việt Nam còn nặng về lý thuyết và thiếu thực tập và thực tiễn.

Chương trình thiết kế với 130-135 tín chỉ nhưng thời gian sinh viên đi thực tế và thực tập ở trường phổ thông chỉ có 10-12 tuần, tương đương với 10 tín chỉ, bằng 1/13 tổng thời lượng học tập của sinh viên.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, ông Tạ Quang Sum - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa - cho rằng các trường đại học sư phạm cần phải mang tầm cỡ quốc gia đặt ở các khu vực chứ không nên tràn lan. Không tuyển sinh riêng từ nguồn học sinh tốt nghiệp THPT mà tuyển sinh từ sinh viên đã hoàn tất năm thứ 3 hệ cử nhân giáo khoa. Như vậy, sinh viên chỉ cần học 1 năm ngành sư phạm thôi. Việc kiến thức chuyên môn hãy để các trường đúng chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, cần có chế độ ưu đãi như tất cả sinh viên sư phạm được hưởng học bổng toàn phần, sau khi thi tốt nghiệp xong được bổ nhiệm mà không cần qua thi tuyển viên chức.

Theo ông Phan Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Giáo viên không phải nghề bình thường vì đối tượng đào tạo là con người, đòi hỏi người thầy phải có tố chất, có chuyên môn và tấm lòng. Tuy vậy, cũng cần phải nâng cao chính sách đãi ngộ đối với nghề giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn