MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên cần nói không với việc mua bán giáo án soạn sẵn. Ảnh minh họa: T.L

Sôi động "chợ" giáo án: Giáo viên đi mua giáo án là hình ảnh xấu xí

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 25/06/2021 06:14

Đang tồn tại thực trạng giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, đến cả bài thu hoạch tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018... cũng được mua bán, trao đổi công khai trên mạng xã hội. Theo các chuyên gia, nếu các giáo viên không trung thực, tự giác, có trách nhiệm với chính công việc của mình, thì người chịu thiệt thòi sẽ là học sinh.

Mua giáo án mẫu là điều không hiếm gặp

Giáo viên miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng theo dấu ấn riêng của mình là một trong những hình ảnh đẹp được nhiều thế hệ ngợi ca. Nhưng đang có tình trạng một bộ phận thầy cô "ngại" soạn bài và tìm đến các "chợ" giáo án mẫu.

Đặc biệt, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (Công văn 5512) về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, thì các "chợ" giáo án hoạt động càng tấp nập.

Trong vai người cần tìm mua giáo án soạn theo Công văn 5512, chính phóng viên đã được nhiều đối tượng tự xưng là giáo viên mời chào và đưa ra đủ lý do, chỉ cần nghe thôi cũng thấy "ngại" soạn giáo án. Chẳng hạn, soạn giáo án 4 bước theo công văn 5512 rất mất thời gian, khó, khổ, dài dòng, trong khi chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có đủ bộ giáo án mẫu cho 1 môn học theo SGK mới.

Giáo án được rao bán, mua bán công khai trên mạng xã hội.

Nhiều giáo viên tâm sự, họ mua giáo án mẫu là nhằm đối phó với việc thanh kiểm tra của lãnh đạo nhà trường, phòng hay Sở giáo dục. Còn kiến thức, kinh nghiệm giáo viên đã có sẵn, nhiều khi không cần nhìn đến giáo án khi lên lớp.

Không đồng tình với quan điểm này, cô Đ.T.P (giáo viên tại Thanh Hóa) khẳng định, việc soạn giáo án đối với giáo viên là việc làm thường nhật và cần thiết. Thầy cô phải soạn giáo án tỉ mỉ, chính xác và dành tâm sức tìm hiểu, nghĩ ra "câu lệnh" hay, hỏi đúng, hỏi trúng, thì mới có thể dạy học sinh đạt kết quả cao.

"Việc mua giáo án mẫu trên mạng là do nhiều người chủ quan, lười soạn bài hoặc quá tự tin vào trình độ của mình nên nghĩ giáo án không cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này lại đi ngược lại với đạo đức nhà giáo, khiến thầy cô không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình.

Theo tôi, để việc dạy và học đạt kết quả tốt nhất, thầy cô phải tự soạn giáo án, phải dành tâm huyết với chính công việc của mình. Cái gì của mình, do mình làm ra, tôi tin sẽ mang lại hiệu quả" - cô P chia sẻ.

Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, cô N.T.A.N (giáo viên THCS tại Hà Nội) thừa nhận, việc mua giáo án mẫu là điều không hiếm gặp.

"Giáo viên có thể sử dụng để tham khảo. Tuy nhiên, việc bê nguyên xi để giảng dạy là không thể chấp nhận. Vì chương trình đổi mới khiến bài học cập nhật liên tục, các giáo án mẫu trôi nổi trên mạng xã hội không thể kiểm chứng về độ chuẩn xác với bài học. Chưa kể việc mua bán này rất dễ vi phạm bản quyền vì "trăm người bán, vạn người mua", không thể xác định nguồn gốc của bộ giáo án đó" - cô N bày tỏ quan điểm.

"Cần tôn trọng chính nghề nghiệp của mình"

Trước tình trạng mua giáo án mẫu phục vụ cho công tác giảng dạy, đặc biệt là giáo án soạn theo yêu cầu phát triển năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ -nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, đây là hình ảnh vô cùng xấu xí.

"Soạn giáo án là một việc làm rất thiêng liêng, thể hiện sự sáng tạo trong cách làm, cách dạy của giáo viên. Giáo viên không thể học thuộc lòng những thứ có sẵn từ người khác để áp dụng vào bài giảng của chính mình, như vậy còn gì là sáng tạo?

Mua bán giáo án là việc không nên làm và không được phép làm. Là giáo viên, thầy cô cần hiểu rõ đối tượng học sinh của mình, từ đó xây dựng và sáng tạo nên kế hoạch bài giảng hay, cách dạy tốt để học sinh có thể phát huy năng lực.

Giáo viên đi copy, lượm nhặt, sử dụng các mẫu giáo án có sẵn là biểu hiện của sự lười biếng, không sáng tạo và chưa làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo. Từ đó dẫn đến việc dạy và học không có ý nghĩa, nó có thể khiến học sinh, phụ huynh và cả xã hội mất niềm tin vào giáo dục" - PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, cuộc sống luôn vận động, phát triển không ngừng, đòi hỏi chính thầy cô cũng phải đổi mới, không ngừng học tập để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thời gian này, chắc chắn sẽ rất khó khăn và vất vả cho thầy cô, nhưng ông mong, điều trước tiên là giáo viên hãy tôn trọng nghề nghiệp của chính mình, để học tập và làm việc có trách nhiệm. Để không tự tước đi quyền thiêng liêng của nghề giáo là tự tay chuẩn bị kế hoạch bài giảng (gián án) trước mỗi giờ lên lớp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn