MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục để vượt qua dịch bệnh

“Sóng và máy tính cho em” xoá điểm lõm, vùng lõm

Châu Phú LDO | 08/12/2021 15:35

Không phải đợi đến khi đại dịch bùng phát phức tạp, câu chuyện “điểm lõm”, “vùng lõm” mới được đặt ra. Vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống hạ tầng viễn thông ở vùng miền núi chưa được tập trung đầu tư ở mức cao nhất và việc máy tính được tặng, được trang bị ở những vùng này chưa được sử dụng, khai thác ở mức tốt nhất có thể là điều từng được nhiều người biết và băn khoăn, trăn trở. 

Nhiều người dân ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là đồng bào miền núi đều biết đến Dự án phủ sóng phát thanh-truyền hình vùng lõm do Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức thực hiện hồi những năm tám mươi, chín mươi thế kỷ trước.

Chẳng hạn ở Nghệ An, bấy giờ các đài/trạm tiếp phát sóng phát thanh đặt tại Tương Dương và Quỳ Hợp, các đài/trạm tiếp phát sóng truyền hình vùng lõm đặt tại Mường Lống (Kỳ Sơn), Thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp) và Thông Thụ, Kim Sơn (Quế Phong).

Trạm tiếp phát sóng tại Cổng Trời-Mường Lống (Kỳ Sơn) có cơ sở vật chất ban đầu là một máy nổ 3,5 KW, 1 máy tiếp phát, 1 cột antel phát sóng phục vụ người xem ở Mường Lống và cả các xã Huồi Tụ, Bảo Nam, Bảo Thắng…

Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, “vùng lõm” phát thanh-truyền hình được thay thế bằng phát thanh-truyền hình số vệ tinh. Tiếp đó là việc phủ sóng điện thoại và mạng internet thông qua các trạm thu phát thông tin di động (BTS) mặt đất, kể cả các vùng miền núi nhưng vẫn chưa giải quyết được câu chuyện “điểm lõm” về mạng điện thoại di động và mạng Internet.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều khó khăn, phức tạp nảy sinh, trong đó có việc học trực tuyến của thầy và trò vùng miền núi cao, với câu chuyện thấm thía là học sinh phải tự tìm nơi có mạng Internet, dựng lều để học trực tuyến giữa núi rừng! 

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động rộng rãi trong cả nước chính là để từng bước giải quyết các “điểm lõm” này, bao gồm việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng viễn thông ở những vùng khó khăn, đưa “sóng” đến tận hộ gia đình, mua máy tính trợ giúp học sinh nghèo, giảm cước phí viễn thông cho học sinh học trực tuyến.

Chương trình “động đến mọi trái tim” này không chỉ để giải quyết chuyện trước mắt khi đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp mà còn phục vụ lâu dài quá trình ứng dụng kỹ thuật số cho con em, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách về chuyển đổi số trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng miền trong tỉnh, trong cả nước.

Thực ra, không phải đợi đến khi đại dịch bùng phát phức tạp, câu chuyện “điểm lõm”, “vùng lõm” mới được đặt ra. Vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống hạ tầng viễn thông ở vùng miền núi chưa được tập trung đầu tư ở mức cao nhất và việc máy tính được tặng, được trang bị ở những vùng này chưa được sử dụng, khai thác ở mức tốt nhất có thể là điều từng được nhiều người biết và băn khoăn, trăn trở. 

Cũng có những tín hiệu tích cực về câu chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ này, chẳng hạn ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn- Nghệ An mà chúng tôi có dịp lên làm việc mới đây.

Còn nhớ, trong chương trình triển khai học tập, quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu và được nhất trí triển khai học tập một chuyên đề mới lạ và thiết thực, đó là “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những công việc cần triển khai hiện nay” do nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thuyết trình trước cán bộ cốt cán toàn huyện. 

Từ đây, “điểm lõm” về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cán bộ huyện, xã... về công nghệ thông tin, về áp dụng công nghệ mới, về đầu tư, sử dụng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn từng bước được trang bị, củng cố, từng bước áp dụng cụ thể vào thực tiễn cuộc sống.

Từ nhiều năm nay, “vùng lõm” Mường Lống, Thông Thụ, Kim Sơn… cũng như nhiều vùng sâu, vùng xa ở nhiều nơi trong tỉnh đang từng bước được lấp đầy, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông, điện lưới, mạng điện thoại, mạng Internet nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều điểm “lõm sóng” khi tổ chức học trực tuyến và nhiều công việc khi cần thiết.

Nhiều nơi Internet an toàn chưa đến tận hộ gia đình, chuyện trả cước vẫn khó khăn và cần nói là hơn 70.000 học sinh trong tỉnh chưa có máy tính. 

Chính vì vậy, tổ chức thực hiện tốt Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ở Nghệ An, theo ông  Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là “cơ hội vàng giúp thầy trò có được nhận thức và kỹ năng, thích ứng dần với điều kiện học tập trong môi trường chuyển đổi số”! Hy vọng, trên khắp cả nước cũng như ở Nghệ An, chương trình sẽ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp, của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, của gia đình và của mỗi em học sinh, để thực sự không chỉ giải quyết câu chuyện “điểm lõm”, "vùng lõm” trước mắt, mà là bước chuẩn bị hành trang lâu dài, chủ động cho quá trình chuyển đổi số từ mỗi gia đình, xây dựng một xã hội số thực sự phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn