MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ gian lận thi cử gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố bị can với ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La. Nguồn: Công an Sơn La cung cấp

“Sửa bài, nâng điểm thi chỉ bị phạt 10 triệu, sẽ có người bất chấp vi phạm”

Bích Hà LDO | 07/10/2018 06:46
"Nếu những hành vi nghiêm trọng như sửa bài thi, nâng điểm thi chỉ xử lý hành chính theo Điều 21 Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thì sẽ có hiện tượng bất chấp, sẵn sàng đánh đổi, nộp phạt để vi phạm”- Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm.

Những ngày qua, Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GDĐT đưa ra để lấy ý kiến thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc quy định “Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học” mà không xét đến tính chất, động cơ và hậu quả, khiến giáo viên lo lắng sẽ phải lên lớp trong tâm trạng nơm nớp lo bị phạt.

Ngoài quy định này, một số nội dung liên quan đến việc xử phạt các hành vi vi phạm về thi, kiểm tra đánh giá được nên trong Dự thảo nghị định cũng gây tranh cãi.

Trong Khoản 4, Điều 21 Dự thảo nghị định nêu rõ: Phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi;

Phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi hoặc lấy bài của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định hoặc chấm thi không đúng hướng dẫn.

Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt đối với nhóm hành vi gian lận thi cử trong dự thảo nghị định này là quá nhẹ, chưa hợp lý.

Theo PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, các thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế trong sáng, nhưng nếu cá nhân nào đó vì tư lợi mà cố ý gây nên sự mất công bằng trong một kỳ thi, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các em. Nếu các em biết đâu đó có hiện tượng tiêu cực, gian lận, bức xúc đã đành mà còn cảm thấy tổn thương, tiếc cho những cố gắng của mình.

Bà cho rằng việc nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi gian lận thi cử là rất đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm.

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GDĐT soạn thảo có nhiều điểm chưa ổn. Trong đó, Điều 21 đã “hành chính hóa” một số hành vi đã có quy định xử lý hình sự.

Ví dụ như hành vi làm lộ đề thi, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thay đổi kết quả thi trong các kỳ thi quan trọng, cấp quốc gia. Luật sư Cường cho rằng hành vi này rất nguy hiểm, tạo ra kết quả thi không đúng, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không thật, gây nguy hại cho xã hội. Tuy nhiên trong dự thảo Nghị định của Bộ GDĐT lại đưa nhóm hành vi này vào mục xử phạt hành chính.

“Nếu Dự thảo Nghị định này được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu, sự tùy tiện trong việc áp dụng quy định pháp luật. Nếu những hành vi nghiêm trọng này chỉ xử lý hành chính thì người ta bất chấp, sẵn sàng đánh đổi, nộp phạt để vi phạm.

Hơn nữa, Luật là văn bản đã được Quốc hội thông qua, Nghị định là văn bản dưới luật nên không thể trái luật được.

Về nội dung, kỹ thuật luật pháp của Dự thảo Nghị định này rõ ràng có rất nhiều vấn đề cần có sự góp ý, trao đổi thẳng thắn nghiêm túc để có tính khả thi. Tránh việc ban hành văn bản một cách ào ạt nhưng không thể đi vào cuộc sống, chồng chéo gây ra hệ lụy lớn”- Luật sư Cường chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn