MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

Sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học: Phải dẹp “loạn” học giả bằng thật

HUYÊN NGUYỄN LDO | 28/05/2018 20:26
Bạo lực học đường, không chú trọng dạy đạo đức cho học sinh, quá tải chương trình, học giả bằng thật, sinh viên không đủ điều kiện vẫn được ra trường… là những hiện tượng cho thấy giáo dục đang rất “có vấn đề”. Vì thế, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục sửa đổi cần phải thay đổi một cách toàn diện, tránh làm nửa vời.

Đây là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tại Hội nghị góp ý 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Luật Giáo dục sửa đổi do Hội đồng tư vấn khoa học,  giáo dục và môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức ngày 28.5.

Ai chịu trách nhiệm khi chương trình thất bại?

GS-TS Nguyễn Đăng Dung - giảng viên ĐH Luật, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Giáo dục phổ thông phải dạy học sinh cách làm người trung thực, đừng dạy học sinh nói dối, phải làm sao để học sinh có lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn, tự chủ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa, Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng phải đặt lên trên vấn đề dạy chữ là dạy học làm người. Cùng với đó, phải đổi mới hệ thống giáo dục và phải đặt giáo dục vào cuộc cách mạng 4.0.

Nhận định về nguyên nhân cả xã hội đau lòng về đạo đức học sinh xuống cấp, đạo đức nhà giáo cũng có vấn đề, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật Giáo dục đã có nhiều sửa đổi quan trọng, tuy nhiên không đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, của cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể, tin học phải là một môn học riêng biệt, không thể tích hợp thành toán-tin. GS Dũng lo lắng: “Đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) lần này liệu có thành công không khi thực hiện, ví dụ tích hợp 3 môn lí-hóa-sinh thành môn khoa học là không hợp lí, trong khi ở rất nhiều quốc gia, việc tích hợp này chỉ diễn ra ở bậc tiểu học. Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi chương trình thất bại?”.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra, chương trình GDPT chưa bảo đảm được việc phân luồng học sinh, chưa dạy những gì mà thực tiễn cần, dẫn đến thực tế rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm.

Các trường đại học phải được tự chủ hoàn toàn

Góp ý về Luật GDĐT, TS Nguyễn Viết Chức ủng hộ quan điểm Luật GDĐH phải bảo đảm tự chủ thực sự cho các trường đại học. “Mỗi trường có một sản phẩm đào tạo riêng, vì thế, sửa luật GDĐH lần này phải bảo đảm tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học. Đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động. Vì thế, Bộ GDĐT không thể ôm đồm mọi việc, chỉ quản lí GDĐT chứ không phải xông vào các hoạt động đào tạo như hiện nay”, ông Chức cho hay.

Cũng theo TS Chức, hệ thống đào tạo đại học hiện nay đang bị chia thành các trường lớn, trường nhỏ. Đại học phải là tự chủ, trường nào đào tạo chất lượng tốt thì được người học đón nhận, không nên chia thành đại học quốc gia, đại học, học viện.

Từ những phân tích đó, TS Chức đề nghị sửa luật lần này phải bám sát yêu cầu về căn bản, toàn diện, rà soát kỹ, không phải là sửa đổi vài vấn đề, mục tiêu là sửa đổi để đáp ứng yêu cầu giáo dục là quốc sách hàng đầu.

 

GS-TS Nguyễn Đăng Dung đề nghị cần tập trung sửa những điều cần thiết nhất như việc phải dẹp được nạn học giả bằng thật, nạn sinh viên không đủ điều kiện vẫn được ra trường. “Không nên chú trọng kiểm tra đầu vào như hiện nay mà cần chuyển sang kiểm soát đầu ra”, ông Dung đề nghị.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung cũng cho rằng, Luật GDĐH cần bổ sung thêm chính sách cho các GS giảng dạy đại học, không tách các viện nghiên cứu ra khỏi trường đại học.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động của Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức góp ý vào 2 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học. Từ những ý kiến trách nhiệm, có chất lượng của các đại biểu góp ý dự án tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong muốn Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện 2 dự thảo Luật trước khi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn