MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tác phẩm từ rác của học sinh lớp 9 Hậu Giang tranh giải sáng tạo toàn quốc

HỒ THẢO LDO | 02/09/2022 08:43

Hậu Giang - Qua bàn tay khéo léo của nhóm học sinh lớp 9 ở Hậu Giang, rác thải trở thành những bức tranh đa dạng về màu sắc, cũng như mang đến thông điệp chung tay bảo vệ môi trường.

Nhóm tác giả gồm: Nguyễn Ngọc Minh Phúc, Trần Như Quỳnh, Lê Thị Ngọc Hà, Bùi Trần Khánh Hưng đều là học sinh lớp 9 Trường THCS Đông Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Mới là học sinh trung học cơ sở nhưng nhóm bạn trẻ đều có điểm chung là ý thức bảo vệ môi trường cũng như niềm đam mê sáng tạo.

Nhóm tác giả học sinh lớp 9 Trường THCS Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồ Thảo

Theo nhóm tác giả, nguyên liệu để làm tranh là những loại rác thải đã qua sử dụng, ưu tiên những loại ít được tái chế như: Vỏ trứng, vỏ cua, vỏ ốc, mùn cưa, bã cà phê… Từ cách chọn nguyên, vật liệu các bạn trẻ muốn nói lên, rác thải không phải là hết, có thể tiếp tục sử dụng và hơn nữa là trở thành tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cuộc sống.

Bạn Nguyễn Ngọc Minh Phúc - trưởng nhóm - chia sẻ, do nhà Phúc thường chế biến các món ăn từ trứng, nhận thấy vỏ trứng cứng nếu bỏ đi rất khó phân hủy trong môi trường. Từ đó, cô học trò nhỏ nảy sinh ra ý tưởng tận dụng vỏ trứng làm nguyên liệu cho tác phẩm của nhóm. 

“Vỏ cua, ốc, sò cũng rất sắc nếu người đi đường bất cẩn đạp phải có thể bị đứt chân và chảy máu, nên nhóm em hướng đến nhóm nguyên liệu này đầu tiên” - Minh Phúc cho biết.

Cũng theo nhóm tác giả, để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, trước tiên vẽ phác họa hình ảnh lên nền giấy trắng. Tiếp theo, dùng kéo cắt nhỏ các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn, rồi trộn với màu thực phẩm theo công thức phối màu để ra màu sắc mong muốn. Sau đó, dùng keo dán nguyên liệu lên nền giấy theo hình ảnh đã phác họa. Bước cuối cùng là phủ lên tranh vẽ một lớp màu sáp để tạo độ bóng. Sau đó, dùng ván ép để đóng khung thành bức tranh hoàn chỉnh. 

Hiện nay, nhóm học sinh đã có trên dưới 10 tác phẩm với chủ đề cuộc sống quanh em như: Lan, mai, cúc, trúc (làm từ vỏ sò); bình hoa (làm từ vỏ trứng); sen, hướng dương (làm từ bã cà phê và mùn cưa); tri ân (làm bằng ngòi bút). 

Trong số đó, nhóm bạn trẻ tốn nhiều tâm huyết nhất là bức tranh “Tảo tần” được làm từ nhiều loại nguyên liệu kết hợp với nhau. Đồng thời, tác phẩm cần sự tỉ mỉ xử lý bố cục theo nhiều lớp xa, gần chi tiết lớn, nhỏ thể hiện sự sinh động của chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang). Qua đó, cái hồn của bức tranh  được làm nổi bật là hình ảnh người phụ nữ tảo tần buôn bán, cực nhọc. Đồng thời, bức tranh nói lên nét đẹp văn hóa của người miền Tây sông nước.

Tác phẩm Tảo tần. Ảnh: Hồ Thảo 
Tác phẩm Lộc (làm từ vỏ sò). Ảnh: Hồ Thảo

Trần Như Quỳnh thổ lộ, bí quyết lớn nhất để thành công là lòng đam mê và kiên trì cũng không thể thiếu tỉ mỉ, có bức tranh phải mất trên một tháng mới hoàn thành. Bên cạnh đó, một số loại nguyên liệu nhóm chọn rất cứng như: Vỏ sò, ốc, cua... nên gặp khó khăn trong quá trình cắt mỏng, có khi dùng kéo cắt làm sưng cả tay. Thứ hai, là việc phối màu vì các loại rác thải rất ít màu sắc, nhóm phải tìm hiểu kết hợp các loại màu với nhau, theo tỉ lệ riêng để tạo ra màu mong muốn.

“Qua những tác phẩm, chúng em muốn gửi đến mọi người thông điệp nếu biết tận dụng rác thải cũng có thể làm món ăn tinh thần để thưởng thức. Qua đó, mọi người hãy cùng nhau bảo vệ môi trường” - Như Quỳnh bộc bạch.

Với những ý nghĩa thiết thực mà những tác phẩm nói lên. Vừa qua, các bạn trẻ đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ IX năm 2022. Và mới đây, tỉnh Hậu Giang tiếp tục gửi bộ sản phẩm của nhóm học sinh lớp 9 tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2022.

Nhóm 9 tác phẩm dự thi quốc gia. Ảnh: Hồ Thảo 

Là người đã theo sát nhóm học sinh trong quá trình làm ra các tác phẩm, cô Trần Thanh Trúc - giáo viên mỹ thuật Trường THCS Đông Thạnh - chia sẻ, cả 4 bạn đều là học sinh có học lực khá, giỏi của trường. Đồng thời, các bạn đã có ý thức tự giác bảo vệ môi trường từ rất sớm. Qua những nguyên, vật liệu để làm tranh như ngòi bút là do các em sưu tầm từ hồi học cấp 1, sử dụng bút hết mực không bỏ làm rác, để dành cho đến tận bây giờ đem ra làm tranh.

“Trong thời gian tới, tôi sẽ gợi ý cho các em ra mắt thêm nhiều tác phẩm cũng như đa dạng hơn về các loại nguyên liệu từ rác thải” - cô Trúc thông tin.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn