MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Tuấn Anh

Tai nạn trường học: Nói "tai bay vạ gió" cũng đúng nhưng không thể ngồi yên

HUYÊN NGUYỄN LDO | 28/05/2020 11:29

Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng một số tai nạn trong trường học có thể coi là “tai bay vạ gió”, khó tránh nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta không làm gì.

Thời gian qua, câu chuyện về an toàn trường học lại gây nên lo ngại cho nhiều người. Trường học là nơi mà xã hội cho rằng an toàn nhất lại đang trở nên mất an toàn khi hàng loạt các sự cố như ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của học sinh như sự cố điện giật, khiến 1 học sinh tử vong tại Hải Dương, cây đổ đè nhiều học sinh ở TPHCM diễn ra mới đây.

Chỉ trong thời gian rất ngắn có 2 vụ tai nạn thương tâm khiến 2 học sinh tử nạn, 12 em bị thương chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trường học đang có dấu hiệu bị buông lỏng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm hiệu trưởng nhận định: Một số tai nạn trong trường học thời gian qua có thể coi là “tai bay vạ gió”, tai nạn rủi ro, khó tránh nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta không làm gì. Tại trường học, các hiệu trưởng phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.

Theo TS Hoà, lâu nay, chúng ta vẫn chạy theo thành tích và điểm số, thi cử nên lấy việc học và kết quả học là chính nên các vấn đề về an toàn trường học, giáo dục học sinh dường như bị lơ là, chểnh mảng.

"Chuyện cây đổ, bật gốc đều có thể xảy ra nên với cây to, lâu năm thì phải nghĩ đến việc cắt tỉa, thăm dò cây. Hay nhiều vấn đề về cơ sở vật chất khác... lãnh đạo trường không quan tâm thì ai quan tâm?", ông Hoà trăn trở.

Theo vị TS có nhiều năm kinh nghiệm quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh là rất khó vì thế cần người đứng đầu rất tâm huyết, hết lòng, suy nghĩ nhiều về sự an toàn. Nếu như lãnh đạo chỉ nghĩ đến chuyện học hành, kết quả thi, thi đua… thì khó tránh khỏi tai nạn rủi ro, không bị chỗ này thì bị chỗ khác, không bị lúc này bị lúc kia.

"Nói cho cùng, để có một môi trường giáo dục an toàn, phát triển, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, từ nhà quản lý đến các thầy cô giáo cần thay đổi, chuyên tâm, yêu thương, tận tình với công việc, chu toàn thì mọi chuyện sẽ rất tốt", TS Nguyễn Văn Hoà cho hay.

Qua sự việc cây đổ khiến nhiều học sinh bị thương, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tới công tác đảm bảo an toàn trường học phải tiếp tục được các nhà trường, địa phương quan tâm hơn nữa.

Bộ trưởng đề nghị Sở GDĐT TPHCM, các Sở GDĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn