MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh mệt mỏi vì áp lực học tập nhiều. Ảnh: Khôi Trần

Tại sao có đẳng cấp giữa “dân” lớp chọn và “dân” lớp thường?

VŨ HOÀNG SƠN LDO | 14/04/2018 10:30

Từ câu chuyện nam sinh của Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con đứng đầu khối, dưới góc nhìn của một giáo viên, Ths Vũ Hoàng Sơn – giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh – TP. HCM) đã có những chia sẻ về câu chuyện chạy đua vì thành tích trong giáo dục.

Nhiều người Việt vẫn luôn nghĩ “thương hiệu” của trường lớp chất lượng cao sẽ là sự khẳng định năng lực, sức học và cả tương lai của con trẻ. Bên cạnh đó còn là niềm hãnh diện của bố mẹ. Chính từ suy nghĩ đó, phụ huynh đổ xô cho con đi học thêm, biến những đứa trẻ trở thành tay đua trong cuộc đua để trở thành… người tài.

Không chỉ phụ huynh, ngay trong nhà trường cũng hình thành hai đẳng cấp giữa “dân” lớp chọn và “dân” lớp thường. Sau khi kết thúc năm học, nhà trường dựa vào điểm số của học sinh để “lọc” những em có điểm cao được vào lớp chọn, điểm số thấp vào lớp thường. Dù Bộ GDĐT đã bãi bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS, nhưng như luật bất thành văn, ở các trường, mỗi khối lớp đều tổ chức một lớp “tinh hoa ngầm định” gọi là lớp chọn.

Cuộc đua gắt gao để có chân vào trường chuyên, lớp chọn khiến cho học sinh luôn ở trong “tâm thế” phải “chạy đua” với sức cạnh tranh khốc liệt, “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm”,…

Ths Vũ Hoàng Sơn

Trong chương trình tập đọc lớp 4 có bài “Cánh diều tuổi thơ”, mỗi lần dạy tới bài này, tôi lại say sưa kể cho các em nghe về những buổi thả diều. Bọn trẻ trong xóm rủ nhau lấy giấy báo, vành nón lá của mẹ,… cắt, dán thành con diều rồi đem ra khu đất trống của xóm để thả. Tôi cứ cố gắng diễn tả cho các em biết cách làm diều, cách thả diều và tiếng hò reo khi con diều bay cao hơn những bạn xung quanh.

Nhưng khi nhìn xuống đôi mắt của các em, tôi nhận ra, những điều tôi kể đối với các em là viển vông. Các em sẽ không bao giờ có cơ hội và thời gian để thực hiện điều đó. Vì một lẽ thường tình, các em phải học và cố học để đem về những điểm 9, điểm 10 cho bố mẹ được “nở mày nở mặt”.

Cứ thế! Ở bất cứ đâu, các em cũng đều phải cố gắng để không “phụ lòng mong mỏi” của cha mẹ và nhà trường.

Khi cố gắng trở thành một đứa trẻ hoàn hảo, một đứa con lý tưởng của cha mẹ, những dân "chuyên", "năng khiếu", "tài năng", “những con gà nòi” của thầy cô thì bản thân các em đã mất đi một điều gì đó vô cùng quý giá của cuộc đời mình.

Câu chuyện nam sinh của Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến chính là “hồi chuông” cảnh tỉnh không chỉ dành riêng cho các bậc làm cha mẹ mà còn cho chính những nhà lãnh đạo của ngành giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn