MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề Ngữ văn gây tranh cãi.

Tại sao đề thi chuyên Văn "Nếu phải ở trong nước sôi" bị phản đối?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 06/06/2021 21:52

Theo một số giáo viên chính câu "Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?" của đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) khiến nhiều người không đồng tình.

Gây phản cảm ở câu hỏi

Câu nghị luận xã hội đề thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi cách đặt vấn đề.

Trong bài viết "Nhân đề thi Văn vào lớp 10 tỉnh Khánh Hoà, nghĩ đôi điều về việc ra đề thi" đăng trên Laodong.vn, PGS.TS Văn Giá - nhà nghiên cứu phê bình văn học, nguyên Trưởng khoa Viết văn – Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh: "Phải khẳng định đề thi này thuộc diện “thất bại toàn tập”.

Còn TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội phân tích: Thông điệp đề bài định hướng cho học sinh là bàn luận về bản lĩnh nội tại trước nghịch cảnh cuộc sống là tốt. Song cách diễn đạt ý giả định trong câu lệnh “nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” khiến người đọc thấy phản cảm, không ổn.

Nữ giáo viên cho rằng không ai thấy thoải mái khi hình dung mình ở trong “nước sôi” và loay hoay chọn làm “củ khoai tây hay quả trứng”.

Chia sẻ sâu hơn về lí do đề văn bị phản ứng, cô giáo Phạm Thái Lê - giáo viên Ngữ văn Trường Marie Curie (Hà Nội) phân tích: Cả 2 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đại trà và lớp chuyên ở Khánh Hoà đều gây tranh cãi.

Đề thi chuyên nhận được nhiều sự quan tâm nhất do cách đặt câu hỏi. Cách đề thi nêu vấn đề “nếu phải ở trong nước sôi” tự nhiên làm mất đi nghĩa bóng của câu ngạn ngữ. Đây chính là điều dở nhất của đề. Vấn đề câu ngạn ngữ đưa ra ở dạng mở nhưng khi bắt lựa chọn hoặc là khoai tây hoặc là trứng thì nó lại cụ thể, khu biệt lại. Nếu không có câu hỏi đó thì vấn đề có lẽ đã khả dĩ hơn một chút, cô giáo Lê nhận định.

Vấn đề ở đề thi đại trà theo phân tích của nữ giáo viên chính là nguồn không ổn, câu thơ trích có sự xuống dòng tuỳ tiện, làm mất đi tính nhạc của bài thơ nguyên gốc.

"Rất nhiều người đều nhìn ra vấn đề không ổn ở đề thi này thì với học trò sẽ gặp khó khăn. Một thực trạng là những câu nghị luận xã hội ở hầu hết các đề thi văn hiện nay là khiến học sinh thường nói những điều mình không nghĩ.

Ví dụ như ngay câu nghị luận ở đề thi chuyên tỉnh Khánh Hoà, cách ra đề đã hướng học sinh tới việc trả lời, tôi sẽ là trứng, sẽ phải cứng, sẽ mạnh mẽ, vươn lên, vượt qua mọi khắc nghiệt. Trẻ sẽ viết hoàn toàn một cách sáo rỗng để có điểm cao chứ không phải viết đúng điều mà trẻ nghĩ. Đây là điều tệ hại của cách ra đề ở môn Ngữ văn bây giờ ở cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học", bà Lê nhận xét.

Trăn trở cách ra đề

Sau mỗi kỳ thi, bao giờ đề thi cũng được quan tâm bàn luận, nhất là đề thi môn Ngữ văn luôn là tâm điểm. Theo cô Lê đánh giá, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn hiện nay là 40% điểm cho nghị luận xã hội và 60% điểm cho nghị luận văn học là chưa phù hợp với xu thế của thời đại.

Cô giáo Phạm Thái Lê. Ảnh: NVCC

Theo nữ giáo viên, muốn để đào tạo và hướng tới con người toàn diện thì không chỉ có khả năng thẩm văn chương. Vì thế, đưa một ngữ liệu văn chương yêu cầu học sinh đánh giá với mức 6 điểm trong đề thi là chưa hợp lý.

Nhìn ra các nước xung quanh có nền giáo dục phát triển hoặc các nước láng giềng như Trung Quốc chúng ta thấy đề của họ 100% là đề nghị luận xã hội. Ở các nước Âu – Mỹ, xu hướng bài luận là nghị luận xã hội lại càng rõ ràng.

Chúng ta đánh giá năng lực học trò ở khía cạnh năng lực tư duy, ngôn ngữ, khả năng trình bày và cách cảm, cách đánh giá tác phẩm văn chương. Thông qua nghị luận xã hội mới có thể đánh giá hết được năng lực trên đồng thời phản ánh toàn bộ hiệu quả của việc dạy và học Văn chứ không còn mang tính giáo điều

Ngoài ra, một đề thi chuyên để đánh giá được năng lực của học thì phải mang tính gợi mở nhiều hơn. Người ta ngại ra đề mở vì đề mở thường khó chấm nhưng đề thi phải có tính nhân văn, có chiều sâu để học sinh bộc lộ tư duy, bà Lê chia sẻ.

Theo cô Phạm Thái Lê, cần thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn hiện nay theo hướng tăng phần nghị luận xã hội, giảm phần nghị luận văn học. Cùng với đó, cần chọn lọc và đưa các ngữ liệu đời sống, các sự kiện xã hội vào trong đề văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn