MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số trường đại học không xét tuyển bằng học bạ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Tại sao nhiều trường đại học không mặn mà với việc xét học bạ?

VÂN MI LDO | 30/12/2023 19:53

Năm 2024, một số trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh đại học, trong đó bỏ hẳn phương thức xét tuyển học bạ và tăng chỉ tiêu cho các kì thi riêng.

Phương thức xét tuyển các trường đại học năm 2024

Theo thông tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2024 chỉ có duy nhất một đợt thi đánh giá năng lực sẽ diễn ra vào ngày 11.5.

Chia sẻ về những ưu điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, mỗi thí sinh được chọn tối đa 5 môn thi, nhiều hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là 1 môn.

Năm 2024, Học viện Quân y tuyển sinh ngành Y khoa và Y học dự phòng bằng tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và B00 (Toán, Hóa học, Sinh học).

Nhà trường sử dụng hai phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng. Chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi không quá 15% chỉ tiêu. Với khoảng 85% chỉ tiêu còn lại, trường tuyển dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường dựa trên kết quả thi tốt nghiệp dao động 22,65 - 27,17 điểm.

Nên loại tiêu chí xét tuyển học bạ ra khỏi việc xét tuyển đại học?

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa chính thức công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2024, trong đó phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm 7% chỉ tiêu so với năm trước.

Chia sẻ về lí do bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, chủ trương của Bộ GDĐT là các trường chủ động trong phương thức tuyển sinh, tinh gọn các phương án mà không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Những năm qua, qua rà soát, nhà trường nhận thấy những học sinh trường chuyên có kết quả học tập tốt đa phần đủ điều kiện trúng tuyển theo nhiều phương thức khác, chẳng hạn như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc điểm cao trong các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.

Trường Đại học Y Hà Nội cũng không xét tuyển bằng điểm học bạ và nhiều trường đại học top đầu cũng nói không với việc xét tuyển học bạ.

Liên quan tới việc nhiều trường đại học bỏ hình thức xét tuyển bằng học bạ, trao đổi với Báo Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lí Giáo dục Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với phương thức xét tuyển này.

Ông Lâm cho hay, có rất nhiều lý do để các trường đại học không mặn mà với hình thức xét học bạ. Nhiều học sinh thường xem học bạ như tấm phao cứu sinh để yên tâm hơn trong khi thi vào đại học. Có những học sinh dù học lực yếu, hoặc hạn chế về nhiều mặt nhưng vẫn rất tự tin để tham gia xét tuyển và chắc suất đỗ đại học.

"Một khi các em được cho điểm dễ dàng, các em sẽ không cố gắng hết mình trong học tập bởi tâm lý được người lớn giúp đỡ sẽ khiến các em luôn trông chờ, không có được sự chủ động. Do đó, có thể nói xét tuyển bằng điểm học bạ là phương thức có độ tin cậy thấp nhất và thiếu tính công bằng nhất đến thời điểm hiện tại.

Vì vậy, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay. Theo tôi, cần loại bỏ tiêu chí xét tuyển học bạ ra khỏi việc xét tuyển đại học" - TS Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn