MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học, Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Trang Hà

Tâm đắc phương án thi 2+2 khi lần đầu đưa Công nghệ và Tin học vào môn lựa chọn

Trang Hà LDO | 30/11/2023 06:11

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn Toán, Văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học, Chương trình GDPT 2018 xoay quanh vấn đề này.

Thưa ông, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Văn và 2 môn lựa chọn, ông đánh giá như thế nào về phương án này?

- So với các phương án còn lại, phương án thi 2+2 thể hiện được tính ưu việt vượt trội và có thể nói hầu như không có điểm yếu đáng kể. Phương án này nhận được tỉ lệ bầu chọn gần như tuyệt đối trong các cuộc họp chính thức lấy ý kiến và sự đồng tình ủng hộ rất lớn của đại đa số giáo viên và xã hội.

Tính ưu việt đầu tiên nằm ở việc thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong việc giảm nhẹ áp lực thi cử cho học sinh. Đồng thời, phát huy được tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhất là THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Đặc biệt, điều tôi tâm đắc nhất của phương án thi 2+2 là lần đầu tiên đưa hai môn Công nghệ và Tin học vào số các môn lựa chọn trong kỳ thi mà bấy lâu nay chưa bao giờ được chọn để thi cử.

Phương án thi 2+2 cũng phù hợp để đánh giá được năng lực của người học cũng như giúp học sinh có định hướng rõ ràng và chuẩn bị tâm thế cho nghề nghiệp tương lai.

Vậy các cơ sở giáo dục đại học cần khai thác những ưu điểm nào của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phương án thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học hiệu quả hơn, thưa ông?

- Đây là cơ hội để các trường đại học đổi mới các tổ hợp môn tuyển sinh cho các ngành đào tạo. Tôi lấy ví dụ, hiện nay có khoảng 168 cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của môn Tin học trong tổ hợp xét tuyển - môn học rất quan trọng đối với ngành đào tạo này.

Tôi cho rằng các trường đại học cần đổi mới về tổ hợp môn tuyển sinh với tất cả các ngành đào tạo sao cho phù hợp. Các trường cần xây dựng tổ hợp tuyển sinh phù hợp và môn thi phải gắn bó mật thiết với ngành nghề đó. Như vậy, tuyển sinh đại học sẽ có thêm tính đột phá, khác biệt nhưng rất cần thiết và hợp lý.

Việc xây dựng mới, tái cấu trúc và công bố sớm tổ hợp môn tuyển sinh cho các ngành đào tạo của các trường đại học có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Trước tiên về phía học sinh và phụ huynh, việc biết trước các tổ hợp môn tuyển sinh cho mỗi ngành đào tạo của các trường đại học sẽ giúp họ lựa chọn các môn học ở bậc THPT ngay từ lớp 10 phù hợp với dự kiến, nguyện vọng được đào tạo nghề trong tương lai.

Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng dạy và học ở phổ thông vì thực hiện nguyên lý “thực học, thực nghiệp”.

Về phía cơ sở giáo dục phổ thông, hiện nay, các trường xây dựng các tổ hợp môn học cho học sinh chọn để học cơ bản dựa vào các môn có trong tổ hợp môn tuyển sinh đại học, hiện hành, chưa cập nhật với thay đổi theo phương án 2+2 chứ không phải chọn môn có đóng góp trực tiếp vào việc đào tạo ở bậc đại học.

Sự lựa chọn đó chưa gắn kết giữa các môn học sinh được học ở phổ thông với các môn học sinh sẽ học ở đại học. Vì vậy, khi biết sớm cấu trúc mới, các tổ hợp môn tuyển sinh của các trường đại học, các trường phổ thông sẽ kịp thời điều chỉnh, xác định được các tổ hợp môn hợp lí hơn cho học sinh lựa chọn để học và thi.

Về phía các cơ sở giáo dục đại học, cho đến nay, các trường đại học xác định tổ hợp môn tuyển sinh vẫn dựa trên các môn thi tốt nghiệp hiện hành, không còn phù hợp với sự đổi mới. Các trường tổ chức thi đánh giá năng lực cũng đưa ra tổ hợp môn (đa phần là 8 môn) cũng dựa trên các môn thi tốt nghiệp hiện hành là không phù hợp với định hướng thực học, thực nghiệp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt trong đó có năng lực tin học rất quan trọng cho nguồn nhân lực chuyển đổi số, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 không được đưa vào đánh giá. Đây là một bất cập cần điều chỉnh ngay.

Việc xây dựng mới, điều chỉnh các tổ hợp môn tuyển sinh và tổ hợp môn đánh giá năng lực sẽ giúp các trường đại học có được nguồn ứng viên đầu vào có chất lượng, đó là những đối tượng đã được chuẩn bị kiến thức tốt ở phổ thông cho định hướng tương lai, chuẩn bị về cả tâm lý, nguyện vọng và năng lực.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn