MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tâm lý học đường ở Việt Nam đang căng thẳng và khủng hoảng

Chân Phúc LDO | 03/08/2024 11:35

ThS.BS Phạm Văn Giào cho biết, tâm lý học đường ở Việt Nam đang rất căng thẳng và khủng hoảng, gây áp lực lớn cho nhà trường, nhà chức trách và phụ huynh.

Thông tin trên được ThS.BS Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục nêu ra tại chương trình tập huấn Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường tại TPHCM ngày 3.8.

Tham gia chương trình tập huấn là các cán bộ, giáo viên, nhân viên và sinh viên đang học tập và công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo có nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn tại TPHCM.

ThS.BS Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục tại chương trình tập huấn. Ảnh: Chân Phúc

ThS.BS Phạm Văn Giào cho biết, ngày nay xã hội phát triển với tốc độ không ngừng, việc tiếp xúc với Internet và công nghệ hiện đại đã khiến các thành viên trong gia đình ít có thời gian quan tâm và chăm sóc lẫn nhau.

Nhiều bậc phụ huynh vì kinh tế gia đình mà không có thời gian tâm sự, lắng nghe và thấu hiểu con mình. Con cái cũng chạy theo sự thay đổi và phát triển của xã hội.

Áp lực cuộc sống, áp lực gia đình, áp lực học tập... dần đẩy con cái ra xa cha mẹ. Từ đó, nhận thức tiêu cực của giới trẻ hiện nay không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, dẫn đến việc ngày càng có nhiều điều kiện để phát triển và bộc lộ những hành động tiêu cực, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

"Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện... nhưng ngày nay là sự lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác. Hiện tượng trầm cảm của học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp, thậm chí, có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác", ThS.BS Phạm Văn Giào nói.

Các đại biểu tham dự chương trình tập huấn Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường. Ảnh: Chân Phúc

Theo ThS.BS Phạm Văn Giào, tình trạng bạo lực học đường đang trở nên khá phổ biến. Việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, phá thai trở thành một vòng tròn khép kín giống nhau ở khá nhiều người.

Ông cho rằng, một trong số những nguyên nhân gây ra thực trạng này là do phụ huynh bận rộn với công việc, không có thời gian quan tâm con cái, nên cho phép trẻ tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Mặc dù phụ huynh có thể kiểm soát thời gian trẻ truy cập internet nhưng không thể đảm bảo trẻ không xem các trang web không phù hợp.

"Trẻ em luôn có tính tò mò rất cao, nhất là ở lứa tuổi dậy thì, vị thành niên, càng cấm thì chúng càng muốn làm. Chỉ cần trẻ tiếp xúc với các nội dung tiêu cực trong thời gian ngắn cũng có thể hình thành nên một tâm lý tiêu cực, các hành vi bất ổn. Ngoài ra, các áp lực đến từ việc học tập, thi cử cũng là một trong các lý do làm gia tăng những vấn đề tâm lý học đường", ông Giào chia sẻ.

Ông cho rằng, quá trình tham vấn tâm lý học đường không chỉ giúp các em có thể giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè…

Tham vấn sẽ giúp cho học sinh, sinh viên mau chóng giải quyết các tình huống khó khăn trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, các em cũng có được đời sống lành mạnh, thoải mái, giảm bớt các áp lực, căng thẳng để học tập và sinh hoạt vui vẻ, hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn