MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tâm sự của du học sinh 4 năm không về quê ăn Tết

HOÀI ANH LDO | 21/01/2023 07:30
Nam Phương - du học sinh tại Mỹ từng bật khóc khi nhận được cuộc gọi video từ bố mẹ vào đúng khoảnh khắc giao thừa. 

Lê Ngọc Nam Phương (sinh năm 2003, quê TPHCM) hiện đang học Thạc sĩ Kinh tế tài chính, Đại Học Harvard, Mỹ. Nam Phương bắt đầu đi du học từ tháng 9.2019 và tính đến nay, đã 4 năm em không đón Tết cùng gia đình. 

Nữ sinh kể, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Tết trở nên xa xỉ đối với những du học sinh như em. Tối 30 Tết, em đã cùng các bạn du học sinh khác tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại phòng của một thành viên trong nhóm. Mọi người cùng nhau ngồi lại, ôn lại chuyện đã qua trong năm.

Tuy nhiên, đến khi tiệc tàn, ai về nhà nấy, em cảm thấy trống vắng. Đúng thời điểm giao thừa, em nhận được cuộc gọi video chúc mừng năm mới từ bố mẹ. “Lúc đó, em nhớ bố mẹ, nhớ nhà nhiều lắm. Em khóc rất nhiều, và chỉ muốn bay về Việt Nam ngay đêm đó” - Nam Phương kể lại. Khi nhìn các bạn học cũ ở Việt Nam đăng ảnh chụp cùng gia đình hay ảnh đi chơi lên các trang mạng xã hội, nữ du học sinh lại thêm một lần chạnh lòng. 

  Nam Phương hiện là du học sinh tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến Tết năm 2021, năm 2022, Nam Phương tiếp tục phải “ăn Tết” cùng bố mẹ qua màn hình điện thoại. Dịch bệnh, bị trùng lịch học, lịch thực tập, nên việc về Việt Nam ăn Tết dường dư “bất khả thi” đối với em. Năm nay, dù dịch bệnh đã không còn căng thẳng, song đây lại là năm em bắt đầu đi làm và bận rộn với công việc, chuyện học. 

Nam Phương nhớ những ngày Tết tại Việt Nam, khi được giúp bố mẹ chuẩn bị hộp mứt tết, cắm hoa, bày mâm ngũ quả. Trước giao thừa, em luôn cùng bố mẹ và anh trai ngồi quây quần bên nhau để nhìn lại năm cũ. Nữ sinh thích tất cả các món ăn truyền thống ngày Tết, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét, thịt kho. 

“Em sẽ cố gắng thu xếp thời gian để sum họp cùng gia đình trong thời gian sớm nhất. Hy vọng Tết năm sau sẽ đầy đủ các thành viên trong gia đình” - Nam Phương nói. 

  Khắc Duy cùng các du học sinh tại Hungary. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đây cũng là năm thứ 4 Nông Khắc Duy - sinh viên Đại học Pécs, Hungary ăn Tết xa nhà. Lịch học, lịch thi học kỳ thường trùng vào dịp Tết cổ truyền, nên rất khó để em có thể về Việt Nam trong thời gian này.

Mỗi lần nghe bố mẹ hỏi: “Năm nay có về ăn Tết không con” và nhìn ánh mắt của bố mẹ qua màn hình điện thoại, giọng Khắc Duy như nghẹn lại. Em hiểu bố mẹ luôn mong con về để gia đình sum họp, nhưng vì những lý do bất khả kháng, mà em phải ăn Tết xa xứ. 

Nhắc đến Tết, khoảnh khắc khiến em nhớ nhất là khi cùng bố trang trí ban thờ và bày mâm ngũ quả. Khi đó, bố thường hướng dẫn em các bước để trang trí ban thờ một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Em cũng thường xuyên được nghe bố kể những câu chuyện Tết thời xưa, hay những phong tục ngày Tết mà em chưa được biết.

Khắc Duy có niềm đam mê đặc biệt đối với bánh chưng ngày Tết. “Em có thể ăn bánh chưng hằng ngày và có thể ăn hết một chiếc bánh chưng cỡ lớn trong một bữa”, nam sinh nói. 

  Khắc Duy nhớ khoảnh khắc được quây quần bên gia đình vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm nay, với cương vị là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary và Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Châu Âu, em đang tất bật cùng các bạn lên thực đơn các món ăn truyền thống của Việt Nam, tập văn nghệ, chuẩn bị sân khấu cho chương trình Mừng xuân Quý Mão năm 2023. Nam sinh cho biết, sau hai năm không thể tổ chức do dịch bệnh, chương trình năm nay hứa hẹn sẽ bùng nổ và để lại dấu ấn cho cộng đồng. 

Trong sự kiện này, cộng đồng người Việt tại Hungary sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống ngày Tết, được xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tham gia chương trình xổ số vui xuân với những phần quà rất thiết thực và ý nghĩa. Đặc biệt, mọi người được gặp mặt, làm quen và chia sẻ câu chuyện cùng nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn