MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nỗi lo của nhân viên y tế học đường trước thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Tâm thư chưa gửi của nhân viên y tế học đường vùng cao trước chính sách mới

Lam Thanh LDO | 06/12/2023 11:23

Thái Nguyên - Trước các thông tư 19, 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không ít nhân viên y tế học đường vùng cao trăn trở, băn khoăn về tương lai. Sau nhiều năm cống hiến, mong muốn chung của họ là có một vị trí việc làm ổn định.

Sau khi nắm được thông tư 19, 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cảm xúc chung của các nhân viên y tế học đường vùng cao là hụt hẫng, đan xen những nỗi lo lắng.

Sau bao nhiêu năm cống hiến, mong muốn lớn nhất của các nhân viên này là có việc làm ổn định, tương xứng với bằng cấp, sự nỗ lực. Nhiều người trong số họ đã từng phải phấn đấu, kiên trì hàng chục năm để được vào biên chế tại các trường vùng cao.

Các nhân viên y tế học đường vùng cao mong có một vị trí việc làm ổn định. Ảnh: NVCC

Gần 15 năm công tác trong ngành y tế học đường, chị Lèng Thị Bích (Trường Tiểu học Tân Dương, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết, thông tư 19, 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến chị cũng như các đồng nghiệp bất an. Công tác tại các trường miền núi vốn dĩ đã khó khăn, nay lại thêm nhiều lo toan về tương lai.

"Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự sẽ ảnh hưởng đến các nhân viên y tế học đường. Mọi người đều băn khoăn vì sau bao nhiêu năm phấn đấu, có đủ các bằng cấp chứng chỉ nhưng giờ xếp vào nhóm phục vụ, hỗ trợ.

Với thông tư này thì không biết sắp tới, mức lương hay ngạch của mình sẽ như thế nào. Đặc biệt, các ưu đãi của ngành y tế có còn như trước hay không", chị Bích cho biết.

Theo chị Bích, hàng chục nhân viên y tế học đường tại huyện Định Hóa đã ký vào tâm thư, bày tỏ tâm tư tới các cơ quan chức năng.

Tâm thư chính là nỗi lòng, nguyện vọng có một vị trí việc làm ổn định. Được ghi nhận, xếp đúng vị trí công việc sau những năm tháng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Công tác y tế học đường tại các trường miền núi còn nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC

Chị Bích cho biết: "Mọi người ký vào tâm thư với mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xếp vào vị trí có ngạch viên chức. Điều này sẽ giúp các nhân viên y tế yên tâm, cống hiến hết mình cho công việc.

Hiện tại, ngoài bằng trung cấp điều dưỡng thì mình còn có bằng trung cấp y sĩ. Trong tương lai cũng muốn học lên cao hơn. Thế nhưng, nếu thông tư này được áp dụng thì chắc chắn mình chẳng học lên làm gì cả".

Cùng nỗi tâm tư, chị Nguyễn Thị Vân (Trường Phổ thông DTNT THCS Định Hóa) cho biết, hiện đã có hơn 40 đồng nghiệp ký vào tâm thư của đội ngũ y tế học đường. Tâm thư bày tỏ nguyện vọng có một vị trí việc làm tương xứng như những viên chức khác.

Hiện bức tâm thư vẫn chưa gửi tới các cơ quan chức năng. Đội ngũ nhân viên y tế học đường vẫn chờ các cấp kịp thời quan tâm, có thay đổi phù hợp.

"Nếu cho vào nhóm phục vụ, hỗ trợ thì rất thiệt thòi, bất công cho các nhân viên y tế học đường. Đầu vào xét tuyển, mọi người đều phải có bằng cấp; quá trình công tác đi học thêm cũng rất vất vả.

Chỉ mong nhận được quan tâm đến các chế độ, chính sách của nhân viên y tế học đường hơn nữa", chị Vân cho biết.

Ngày 30.10.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Trong đó, y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn