MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm học tới, giáo viên sẽ không còn dùng văn bản trong sách giáo khoa ra đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng cường giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua môn Ngữ văn

QUANG ĐẠI LDO | 19/11/2022 11:17

Chương trình môn Ngữ văn phổ thông chưa chú trọng rèn luyện kĩ năng nói, kĩ năng giao tiếp cho học sinh.

Chủ yếu thiên về kĩ năng viết

Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn THPT nhiều năm trở lại đây có cấu trúc bao gồm: Yêu cầu “Đọc – hiểu” (3 điểm). Đề thi trích một đoạn văn trong văn bản, yêu cầu thí sinh chỉ ra cách trình bày, thể thức, và một số câu hỏi thuộc về nội dung văn bản, có yêu cầu đơn giản.

Phần “Làm văn” (7 điểm) gồm một câu nghị luận xã hội và một câu nghị luận văn học. Điều này cho thấy, chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay vẫn nghiêng về kĩ năng tạo lập văn bản viết.                    

Chương trình môn Ngữ văn THCS (trước chương trình Phổ thông 2018) có số tiết học rèn luyện kĩ năng nói chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong tổng số 595 tiết của chương trình Ngữ văn THCS, số tiết rèn luyện, thực hành kĩ năng nói chỉ lác đác trên đầu ngón tay.

Chương trình Ngữ văn THPT có 333 tiết, tuy nhiên không có bài học nào dành riêng rèn luyện kĩ năng nói.

Do chương trình như vậy, học sinh học xong THCS và THPT kĩ năng nói rất yếu, thường lúng túng trong các hoạt động giao tiếp đời thường, kể các học sinh đạt điểm số cao, học sinh giỏi. Kĩ năng tạo lập các văn bản hành chính, nhật dụng cũng rất yếu.

Trong khi đó, khi vào đời, hầu hết học sinh sẽ không sử dụng đến các kiến thức chuyên môn, có tính chất hàn lâm về ngôn ngữ học hay văn chương, mà các em phải đối mặt với các tình huống giao tiếp thông thường.

Phải có cuộc cách mạng về phương pháp từ đội ngũ giáo viên

Chương trình phổ thông 2018 đã có nhiều thay đổi theo hướng khắc phục các hạn chế của chương trình môn Ngữ văn trước đó, chú trọng rèn luyện các kĩ năng thực tiễn.

Cụ thể: “Môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hoá; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống”.

Đó là hướng đi đúng và có tính chất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chương trình còn nhiều khó khăn do một bộ phận không nhỏ giáo viên chưa có những kĩ năng giao tiếp, tạo lập văn bản thành thục, nên rất khó để rèn kĩ năng cho học sinh.

Phương pháp dạy học lạc hậu, thiên về lí thuyết, truyền thụ một chiều, quan niệm “học để thi” là những rào cản lớn đối với mục tiêu rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh qua môn Ngữ văn.

Do đó, bên cạnh Chương trình phổ thông 2018, cần có một cuộc cách mạng thực sự về tư duy, phương pháp dạy học từ đội ngũ giáo viên, để hiện thực hóa thành công các mục tiêu dạy học bộ môn Ngữ văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn