MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại họ sẽ tăng học phí trong năm học 2023-2024. Ảnh: Bích Hà

Tăng học phí đại học: Cần minh bạch thông tin cho người học

Tường Vân LDO | 27/04/2023 14:36

Theo nhiều chuyên gia, việc tăng học phí đại học là điều tất yếu. Song, các cơ sở giáo dục đào tạo cần có trách nhiệm minh bạch thông tin cho người học.

Cần minh bạch thông tin về học phí

Theo nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí, năm học 2022 - 2023, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.

Nghị định này có hiệu lực chính thức từ ngày 15.10.2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu không tăng học phí ở tất cả các bậc học trong 2 năm học vừa qua. 

Đến thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đã ổn định, nhiều trường đại học, học viện, dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023 - 2024. 

Bàn về vấn đề học phí bậc đại học, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, vấn đề nguồn thu trong bối cảnh tự chủ đại học là một bài toán khó, cần phải gắn liền với cơ chế quản trị đại học về tài chính. Các cơ sở giáo dục phải quản trị hiệu quả, tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

 TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tường Vân

"Nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường đại học không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, cuối cùng chất lượng giáo dục không đảm bảo và nhà trường cũng không thể phát triển nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm mới" - ông Vinh phân tích. 

Tuy nhiên, tăng học phí như thế nào và các chính sách kèm theo ra sao để đảm bảo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người dân là điều cần phải tính toán, xem xét.

Ông Vinh chỉ ra một thực tế, hiện nay, có một số trường đại học chưa công khai học phí rõ ràng với người học.

Chẳng hạn, có trường chỉ đưa ra mức học phí thấp ở kỳ đầu tiên nhưng lại tăng cao ở những kỳ tiếp theo, có trường chỉ công bố học phí theo tín chỉ nhưng lại không nêu tổng số tín chỉ trong khóa học mà sinh viên phải hoàn thành. Hay cũng có trường lấy lý do chương trình mới, chương trình liên kết để nâng học phí, trong khi chất lượng chưa rõ ràng.

Điều này dẫn đến việc, người học bị rơi vào thế "không còn sự lựa chọn nào khác" bởi nếu không học sẽ mất thời gian và 1, 2 năm học phí đã đóng. 

"Học phí tăng phải được công bố cho người học ngay từ khi bắt đầu đăng kí vào trường. Các cơ sở giáo dục đại học cần minh bạch thông tin về học phí và cam kết không tăng trong thời gian học" - TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Không thể dồn gánh nặng học phí lên vai người học

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm, không thể để gánh nặng học phí dồn hết lên vai người học.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Huyên Nguyễn

Học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân chứ không được nâng lên cao chót vót. Các trường đại học không thể lấy cớ nâng cao chất lượng đào tạo, vẽ ra chi phí. Bởi nếu như vậy, hậu quả là người nghèo, đối tượng thu nhập thấp khó cơ cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học.

Để làm được điều đó, theo TS Lê Viết Khuyến, bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ của nhà trường, còn cần đến sự đầu tư phù hợp từ nhà nước.

"Chất lượng đào tạo quyết định chi phí đào tạo. Hiện nay, với các trường đại học công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo" - ông Khuyến bày tỏ quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn