MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề khiến nhiều nhà giáo băn khoăn. Ảnh: Quang Đại

Tăng lương nhưng bỏ phụ cấp thâm niên nghề khiến nhiều thầy cô băn khoăn

Anh Thư LDO | 17/01/2024 18:59

Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW giúp giáo viên hy vọng đời sống được nâng cao và cải thiện hơn. Tuy nhiên, phụ cấp thâm niên nghề bị bãi bỏ lại gây nhiều trăn trở.

Việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW dự kiến được thực hiện từ ngày 1.7.2024 khiến hàng triệu giáo viên trên cả nước hân hoan, phấn khởi. Thầy cô cho rằng, đây là cơ hội để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình nhờ vào mức tiền lương mới. Đặc biệt, góp phần to lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, giúp giáo viên gắn bó với nghề, giảm thiểu tình trạng nghỉ việc.

Là một giáo trẻ vừa được vào biên chế, thầy Nguyễn Xuân Tiền - giáo viên Trường THCS&THPT Hồng Đức (Nghệ An) cho biết, bản thân đang công tác trong ngành giáo dục khi nghe tin cải cách tiền lương rất phấn khởi.

"Chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước dù điều kiện còn khó khăn những vẫn tiến hành cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, trong đó có giáo viên. Hy vọng rằng với đợt cải cách này phần lớn giáo viên sẽ sống được bằng lương của mình, tạo động lực để thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, nhảy việc. Đồng thời đây cũng là cơ hội lớn để có thể nâng tầm vị thế của ngành sư phạm trong thời gian tới” - thầy Tiền phấn khởi nói.

Cải cách tiền lương khiến nhiều nhà giáo cảm thấy hạnh phúc. Ảnh: Anh Thư

Bên cạnh kỳ vọng tăng lương, việc cắt giảm phụ cấp thâm niên nghề khiến nhiều giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lúng túng và lo lắng. Gắn bó hơn 20 với nghề, cô Mỹ Thanh - giáo viên Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) cảm thấy buồn vì điều này.

"Phụ cấp thâm niên không chỉ là những con số mà đó còn là minh chứng, ghi nhận chặng đường người giáo viên đã dành để cống hiến với nghề. Chính khoản phụ cấp này là động lực để các nhà giáo lâu năm như tôi cố gắng tiếp tục theo nghề, cũng là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ giáo viên trẻ sau này.

Việc được tăng lương là điều vô cùng ý nghĩa nhưng sẽ tuyệt hơn nếu có thể giữ lại phụ cấp thâm niên. Bởi đó là một cột mốc đánh dấu cho sự công hiến của bản thân tôi và các đồng nghiệp" - cô Thanh hy vọng.

Từ ngày 1.7.2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Theo đó, chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Toà án, Kiểm sát, Thi hành án dân sự, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường,...).

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn