MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương, tăng phụ cấp để giữ chân giáo viên ở lại với nghề. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tăng lương, tăng phụ cấp để giữ chân giáo viên ở lại với nghề

Trà My LDO | 15/11/2023 17:57

Lương giáo viên không đủ sống, không ít giáo viên phải làm thêm nghề tay trái, hay thậm chí có những giáo viên phải rời ngành chuyển nghề. Vì vậy, nhiều giáo viên mong muốn tiền lương được cải thiện hơn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).

Tuy nhiên, theo chỉ tiêu đặt ra thì cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, số thầy cô thiếu ở cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.

Trước thực trạng nhiều giáo viên nghỉ việc với lí do mức lương còn hạn chế, cô Nguyễn Thị Ngọc - giáo viên một trường mầm non tại Quảng Ninh cho biết, bản thân cảm thấy rất đồng cảm và thấu hiểu với những đồng nghiệp phải bỏ nghề, chọn một lối đi khác.

"Số tiền lương của giáo viên còn ít ỏi, mức lương nhận về tay chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng tháng. Nhiều giáo viên còn phải chủ động kiếm thêm nghề tay trái với mong muốn cuộc sống ổn định hơn. Ngoài giờ lên lớp, nhiều giáo viên lại chạy đôn chạy đáo với các công việc làm thêm như bán hàng online, nhận may vá quần áo... để bảo đảm cuộc sống.

Chính bản thân của tôi cũng trong hoàn cảnh sáng đi dạy, chiều về tranh thủ bọc hàng, gửi đồ cho khách. Công việc làm thêm tuy không mang lại nguồn thu nhập nhiều nhưng cũng góp nhặt với đồng lương của nghề giáo để nuôi con ăn học" - cô Ngọc cho biết.

Là cô giáo có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Thắm - giáo viên tại Hà Nam cho rằng khối lượng của công việc của giáo viên rất lớn nhưng mức lương còn chưa tương xứng. Một trong số nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc xuất phát từ đồng lương còn hạn chế.

“Nhiều lí do để dẫn tới quyết định nghỉ việc của giáo viên nhưng sức ảnh hưởng lớn nhất vẫn là câu chuyện mức lương. Lương giáo viên hợp đồng, lương giáo viên trẻ mới ra trường dường như còn quá bấp bênh và không đủ trang trải trong cuộc sống. Bên cạnh đó, giáo viên cũng là người chịu những áp lực khác trong công việc” - cô Thắm tâm sự.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu tình trạng lương giáo viên đang thấp và đề nghị trong lần cải cách tiền lương tới đây nâng mức lương lên cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Trước đề xuất này, nhiều giáo viên thể hiện quan điểm ủng hộ và cho rằng, đề xuất cần được quan tâm và sớm triển khai.

Bản thân cô Thắm cũng rất mong đề xuất tăng lương cho giáo viên sớm thành hiện thực vì đây là cơ sở góp phần tạo niềm vui to lớn đối với các giáo viên hiện nay.

“Nhiều giáo viên rất yêu nghề, dạy học bằng cả tâm huyết nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ phải chuyển sang làm công việc khác.

Tăng lương, tăng phụ cấp ít nhiều cũng sẽ góp phần tăng động lực để các nhà giáo vững chân đứng trên bục giảng, chuyên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Muốn giữ chân các nhà giáo ở lại với nghề thì có lẽ đây là giải pháp rất thiết thực” - cô Thắm bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn