MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Trà My

Tăng sĩ số không làm giảm sức nóng tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội

Mi Vân LDO | 17/10/2023 06:00

Hà Nội luôn là điểm nóng trong mùa tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là bậc THPT. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống các trường công chưa thể đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh.

Kì tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh với bất kì phụ huynh, học sinh nào từng trải qua. Số học sinh đông, trong khi hệ thống trường công lập không đủ đáp ứng, dẫn đến tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng. Có nhiều trường ở khu vực nội thành, điểm chuẩn cao chót vót, học sinh cần đạt trung bình môn gần 9 điểm mới đỗ.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị tăng một số tiêu chí với trường THPT thuộc 12 quận huyện trung tâm.

Cụ thể: Tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Đề xuất này nhằm tháo gỡ khó khăn từ áp lực tuyển sinh do thiếu trường lớp.

Liên quan đến đề xuất nêu trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội - nhận định đây chỉ là giải pháp tình thế.

Theo thầy Lâm, bài toán giải quyết việc tuyển sinh đầu cấp phải xuất phát từ việc bổ sung trường, lớp. Còn hướng đi của Sở đưa ra chỉ có thể duy trì 1- 2 năm tạm thời.

“Việc quy định sĩ số là điều nên thực hiện đúng bởi điều này ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Hà Nội là một trong những điểm nóng trên cả nước về tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, cũng vì thế cần phải có bước đột phá mới trong việc quy hoạch mạng lưới xây dựng trường lớp” - thầy Lâm nêu ý kiến.

Thầy Lâm cho rằng, hiện nay Hà Nội cần ưu tiên đất để xây dựng trường. Bằng cách phối hợp giữa nhà nước và các đơn vị tư nhân nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

"Nhà nước có thể giao đất cho các nhà đầu tư. Điều này sẽ góp phần giải quyết 2 vấn đề: Thứ nhất, học sinh sẽ có trường để học. Thứ 2, khi nhà nước giao đất cho các nhà đầu tư thì nhà nước vừa có thể quản lí vừa có thể hạ mức học phí xuống cho học sinh. Mục đích của việc phối hợp giữa nhà nước và đơn vị tư nhân là nhằm tạo giá trị để phục vụ người học, mang đến hiệu quả tốt nhất cho từng nhu cầu, phân khúc của họ” - thầy Lâm nêu ý kiến.

Dưới góc nhìn của nhà giáo, cô Lê Thị Nga - Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) lại băn khoăn khi tăng sĩ số thì đồng nghĩa có nhiều học sinh sẽ ít có cơ hội được tham gia vào bài giảng cũng như giáo viên không thể quan tâm hết được các em.

Cô Nguyễn Lương Thiện - giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng lại đánh giá, việc tăng sĩ số học sinh sẽ là giải pháp ứng phó tạm thời trong tình thế hiện nay.

“Tôi nghĩ rằng mọi người đang muốn tạo ra cơ hội cho các em được vào các trường học công, giảm bớt căng thẳng của mùa tuyển sinh. Nếu làm tốt việc tăng sĩ số mà vẫn giữ nguyên được chất lượng học tập thì sẽ là một điều đáng mừng. Ngược lại, nếu không tính toán cẩn thận thì lại làm suy giảm tình hình dạy và học.

Theo tôi, việc mở trường ở các khu ngoại thành để thu hút học sinh, giãn bớt mật độ dân số ở các vùng nội thành cũng là một trong số các giải pháp có thể thực hiện” - cô Thiện nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn