MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hợp thức hóa việc dạy thêm, tăng thu nhập cho giáo viên. Ảnh: Vân Trang

Tăng thu nhập chính đáng cho giáo viên bằng hợp thức hóa dạy thêm

Trang Hà LDO | 25/11/2023 17:24

Hợp thức hóa dạy thêm phù hợp trong bối cảnh học sinh cần học để trau dồi và nâng cao tri thức, giáo viên cần dạy để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Lợi ích kép

Có con là học sinh cuối bậc THPT tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Bùi Hương cho biết, con gái có nhu cầu đi học thêm để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Con gái chị Hương học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh, tổng chi phí học thêm 1 tháng là 4 triệu đồng. Điều này phù hợp với hoàn cảnh và tài chính của gia đình chị.

"Tôi thấy học thêm với con gái mình là cần thiết bởi thời lượng thầy cô giáo giảng dạy trên lớp là chưa đủ để con có thể trao đổi, lĩnh hội hết tất cả kiến thức cần có, chưa kể việc phải mở rộng kiến thức để thi đại học" - chị Hương chia sẻ.

Nói rồi chị Hương nhắc đến câu chuyện đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bản thân chị và nhiều phụ huynh khác đồng tình với đề xuất này vì nhiều lý do.

"Tôi rất ủng hộ. Tôi hy vọng Nhà nước có chính sách và sớm hợp thức hóa dạy thêm. Điều này không chỉ giáo viên được hưởng lợi khi có nhiều thời gian và cơ hội trau dồi kỹ năng nghiệp vụ cũng như tăng thu nhập chính đáng, mà còn giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với các lớp học thêm chất lượng, chương trình giảng dạy quy củ và mức học phí phù hợp" - chị Hương phân tích.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Hạnh - phụ huynh học sinh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, hợp thức hóa dạy thêm sẽ hạn chế tối đa tình trạng dạy chui, dạy kém chất lượng và tình trạng nâng giá.

"Bản chất của dạy thêm không xấu khi xuất phát từ nhu cầu chính đáng. Việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp cơ quan chức năng thuận tiện quản lý, hạn chế tình trạng biến tướng dạy thêm, có lợi cho cả người học và người dạy" - chị Hạnh chia sẻ.

Giúp giáo viên kiếm tiền minh bạch, tăng thu nhập

Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều thầy cô mở lớp dạy thêm với mong muốn tăng thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng về mối lo cơm áo gạo tiền. Bởi lẽ ai cũng thấy rằng, nếu chỉ sống bằng lương nhà giáo thì không đủ trang trải cuộc sống, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Huyền - giáo viên tiểu học ở Nghệ An cho rằng, giáo viên dạy thêm cũng bỏ công sức, chất xám và thể lực để kiếm tiền.

Điều này rất phù hợp trong bối cảnh học sinh cần học để trau dồi và nâng cao tri thức, tham gia các kỳ thi vượt cấp hay chọn học sinh giỏi. Còn giáo viên cần dạy để vừa bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Vì vậy, hợp thức hóa dạy thêm giúp giáo viên có thể cải thiện đời sống, kiếm tiền minh bạch. Đồng thời, phụ huynh và học sinh cũng đáp ứng được nhu cầu đi học thêm của mình.

Bàn về đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, TS Đặng Văn Cường - giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, học thêm, dạy thêm là vấn đề khá nhạy cảm. Nhu cầu dạy thêm và học thêm trong xã hội là rất lớn, tuy nhiên với quy định trong các thông tư của Bộ GDĐT không phải ai muốn học thêm cũng được và không phải ai muốn dạy thêm cũng được.

Bởi vậy, cần có sự nghiên cứu, đánh giá ở nhiều góc độ, đồng thời lắng nghe ý kiến nguyện vọng của phụ huynh, giáo viên và xã hội để tổng kết thực tiễn, đánh giá sự cần thiết và vai trò của cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn