MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lớp 12 đang căng thẳng ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho đợt tuyển sinh đại học năm 2024. Ảnh: Vân Trang

Tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Tường Vân LDO | 26/02/2024 12:00

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là thí sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Là lứa học sinh cuối cùng học và thi theo chương trình cũ, thời điểm này, công tác ôn thi đang được các nhà trường gấp rút thực hiện.

Tăng tốc ôn thi

Đánh giá về quá trình học tập của học sinh ở thời điểm hiện tại, cô Nguyễn Thị Thuỳ Vân - giáo viên Hóa học, Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) - nói rằng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số học sinh quên kiến thức đã được học trước đó. Chính vì vậy, giai đoạn này, ngoài việc học theo chương trình, thầy cô tăng cường việc ôn tập, bổ sung kiến thức cho học trò.

"Dưới sự chỉ đạo sát sao của ban giám hiệu, chúng tôi thường xuyên giao bài luyện thi cho học sinh. Hệ thống bài tập thiết kế phù hợp, giúp học sinh tiếp cận tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong các phiếu bài tập, khoảng 40 câu. 30 câu đầu dành cho tất cả các đối tượng. 10 câu sau dành cho bạn học khá hơn. Với những em này, chúng tôi hỗ trợ trong các giờ ra chơi, tiết trống, hướng dẫn cho học sinh những bài đó" - cô Thuỳ Vân chia sẻ.

Giáo viên này cũng cho biết thêm, với học sinh cuối cấp, ngoài việc học, tiếp thu kiến thức, việc giúp các em đảm bảo sức khoẻ tinh thần cũng vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, nhà trường, giáo viên luôn có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình, 3 bên cùng hỗ trợ tinh thần, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Tại Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh), công tác ôn tập, hỗ trợ cho học sinh cuối cấp cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm lớp 12, nhà trường đã phân loại nhóm năng lực của học trò để định hướng các em trong việc lựa chọn ngành, nghề, trường mình mong muốn. Việc phân loại này cũng giúp giáo viên dễ dàng ôn tập cho học sinh, giúp các em đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

"Ngoài dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, chúng tôi còn hỗ trợ học trò ôn tập để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội… để các em có thêm cơ hội xét tuyển đại học" - thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết.

Chuẩn bị nhiều phương án vào đại học

Thời điểm hiện tại, hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Năm nay, các trường có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng các phương thức khác như: Xét tuyển bằng kỳ thi riêng, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...

Phía người học, nhiều em cũng đã chủ động tìm hiểu thông tin, đa dạng các phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mong ước.

Em Nguyễn Thành Hiếu - học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội - cảm thấy lo lắng, áp lực khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đang đến gần. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, em đã có bước chuẩn bị dài hơi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo dõi, nắm bắt xu hướng tuyển sinh trong nhiều năm qua, ngay từ lớp 10, Thành Hiếu đã tập trung cho việc học, cố gắng đạt kết quả học tập tốt nhất để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhờ phương thức xét học bạ.

Trong giai đoạn nước rút này, ngoài việc ôn thi tốt nghiệp THPT theo hướng dẫn của thầy cô trên lớp, nam sinh còn phân chia thời gian, ôn tập để tham dự thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Em nhìn nhận, việc cùng lúc ôn tập, tham dự nhiều kỳ thi khiến em áp lực, nhưng đổi lại, điều này sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường em mơ ước.

"Nguyện vọng cao nhất của em là trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm nay, em sẽ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực" - Hiếu chia sẻ.

Em Dương Nam Việt - học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) đã đăng ký khoá học ôn thi đánh giá tư duy online trong vòng 3 tháng trước khi tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nam Việt xác định sẽ cố gắng hết sức ở kỳ thi này, nếu kết quả tốt, em sẽ sử dụng để xét tuyển đại học. Ngoài ra, nam sinh còn có các phương án dự phòng.

Tối 23.2, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THPT của bộ, tức không cộng điểm ưu tiên hay tuyển thẳng thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Trước đó, một loạt địa phương như Quảng Trị, Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương, Vĩnh Long thông báo sẽ cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng lớp 10 cho thí sinh có IELTS. Theo các địa phương, chính sách này nhằm tạo động lực, khuyến khích việc học ngoại ngữ, đồng thời, giảm áp lực thi cử không cần thiết với thí sinh đã đạt trình độ tiếng Anh nhất định, thể hiện bằng điểm IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác. Như vậy, sau thông báo nêu trên của Bộ GDĐT, các tỉnh sẽ phải điều chỉnh kế hoạch vì đã thông báo cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 cho thí sinh có IELTS.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn