MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ và toàn diện

Bích Hà LDO | 26/05/2022 20:17
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, với cách thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Tuy vậy, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân đối với môn Lịch sử và cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc

Bộ GDĐT có báo cáo gửi  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có nêu quan điểm về việc dạy học môn Lịch sử khi thời gian qua có nhiều tranh luận về  việc đưa môn học này thành môn tự chọn ở cấp THPT.

Theo Bộ GDĐT, chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018  được Bộ đã ban hành căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, trong đó tham khảo kinh nghiệm về xây dựng chương trình GDPT và việc tổ chức dạy học môn Lịch sử trong chương trình GDPT ở một số quốc gia trên thế giới, Chương trình mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm tính hàn lâm, gắn với thực tiễn.

Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo 2 giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12).

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc. Môn Lịch sử và Địa lí là môn học bắt buộc từ lớp 4 đến lớp 9 với tổng thời lượng 560 tiết, trong đó phân môn Lịch sử chiếm 280 tiết.

Bên cạnh đó, môn Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1 đến lớp 3 có một số nội dung giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc; nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết/năm học cho mỗi lớp từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương (chiếm khoảng 10 tiết/năm học đối với mỗi lớp).

Bộ GDĐT cho rằng, với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Bộ GDĐT khẳng định môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có (nhưng là môn học lựa chọn).

Nội dung giáo dục lịch sử được  bố trí, lồng ghép ở nhiều môn học

Theo Bộ GDĐT, cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp THPT, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp, Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

“Với cách tổ chức biên soạn, kết cấu các môn học, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, nội dung giáo dục lịch sử còn được  bố trí, lồng ghép một số nội dung trong một số môn học và hoạt động giáo dục khác. Như vậy, Chương trình GDPT 2018 đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện đầy đủ những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29”- Bộ GDĐT khẳng định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GDĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân (ý kiến về việc môn Lịch sử là môn tất cả học sinh được học ở cấp THPT), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Đồng thời sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Trong báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng ngày 23.5,  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội thì đề nghị thiết kế chương trình môn Lịch sử bậc THPT gồm hai phần: kiến thức lịch sử (bắt buộc), kiến thức định hướng nghề nghiệp (lựa chọn).


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn