MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tát học sinh bị xử phạt 3,75 triệu đồng, nhiều giáo viên tâm tư

Vân Trang LDO | 02/06/2023 15:22

Vụ việc một cô giáo tát học sinh và bị xử phạt 3,75 triệu đồng khiến nhiều giáo viên, phụ huynh cảm thấy chạnh lòng.

Lỡ tát học sinh, giáo viên bị phạt 3,75 triệu đồng

Mới đây, một giáo viên 54 tuổi tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã tát vào mặt học sinh 2 cái. Lý do là bởi, trong giờ kiểm tra, cô giáo này phát hiện em học sinh nam đó có dấu hiệu xem tài liệu. Tình huống được camera của nhà trường ghi lại.

Sau đó, giáo viên này bị UBND thành phố Buôn Ma Thuột ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,75 triệu đồng.

Ngoài ra, nữ giáo viên phải xin lỗi công khai em học sinh bị tát, trừ trường hợp học sinh, phụ huynh có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Sự việc đáng tiếc trên khiến không ít giáo viên, phụ huynh băn khoăn, đặt ra câu hỏi, cư xử giữa giáo viên và học sinh như thế nào để vừa răn dạy được học sinh, nhưng lại không gây phản cảm trong môi trường giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà cho rằng, dù trong bất kỳ tình huống nào, cô giáo tát học sinh là việc làm phản giáo dục, vi phạm pháp luật lẫn đạo đức xã hội.

"Về vấn đề phạt tiền, đã là quy định, chúng ta phải chấp hành, điều này không có gì bàn cãi. Điều đáng nói là hành động của giáo viên thể hiện sự non kém về nghiệp vụ sư phạm, yếu về kỹ năng kiểm soát cảm xúc, chưa làm chủ được bản thân" - thầy Lực nói.

Cư xử với học trò như thế nào?

Cô Phạm Thị Hường - giáo viên THCS tại Hà Nội nói rằng, ngoài chuyên môn giảng dạy, thầy cô còn cần rèn luyện kỹ năng ứng xử, giao tiếp với học trò, đồng nghiệp, phụ huynh,...

"Ở mỗi độ tuổi, học sinh sẽ mang đặc điểm tâm sinh lí khác nhau. Không có nguyên tắc chung trong việc ứng xử, mỗi tình huống sẽ phải có cách xử trí khác nhau để vừa giáo dục học sinh, nhưng phải đảm bảo tính nhân văn" - cô Hường chia sẻ. 

Ở góc độ cá nhân, cô Hường nói rằng, bản thân có chút chạnh lòng cho đồng nghiệp và cho chính bản thân mình. Bởi suy cho cùng, việc giáo viên không kìm chế được cảm xúc, lỡ tay tát học sinh cũng xuất phát từ lỗi sai của học trò và mong muốn dạy dỗ, uốn nắn học sinh của giáo viên.

"Giáo viên chúng tôi rất sợ "đụng" phải những trường hợp học sinh cá biệt. Bởi các em biết thầy cô không thể làm gì mình. Ngay cả phụ huynh, nhiều khi cũng không có thái độ hợp tác trong việc dạy dỗ con cái. Hễ con hư là đổ trách nhiệm cho thầy cô" - cô Hường chia sẻ.

Là phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường, anh Nguyễn Phú Dũng (Hoài Đức, Hà Nội) lại cho rằng, giáo viên hiện nay phải chịu nhiều áp lực từ chính phụ huynh và xã hội.

"Phụ huynh khi cho con đến trường đều mong muốn con mình chăm ngoan, học giỏi. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vì quá kỳ vọng vào nhà trường, thầy cô nên khi con không đạt được kết quả như mong muốn thì có nhận xét không công bằng về thầy cô. Thậm chí, cô giáo chỉ quát mắng học trò, phụ huynh đã phản ứng.

Trong vụ việc cô giáo tát học sinh bị phạt 3,75 triệu đồng, thật đáng tiếc khi cô giáo không thể kiềm chế cảm xúc. Giá như lúc ấy, giáo viên có thể bình tĩnh để kiểm điểm học sinh bằng 1 hình thức khác, ví dụ đình chỉ kết quả thi, hay liên hệ với phụ huynh,..." - anh Dũng nói.

Từ vụ việc đáng tiếc nêu trên, anh Dũng bày tỏ mong muốn, mỗi thầy cô sẽ tự rút kinh nghiệm. Từ đó, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, tạo nhiều sự gắn kết, trao đổi với gia đình để cùng đồng hành trong việc giáo dục con trẻ.

"Phía các bậc phụ huynh, cũng cần chủ động, sát sao với việc học của con, không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, thầy cô" - anh Dũng nêu quan điểm.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn