MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mong chờ bảng lương mới sau cải cách tiền lương 1.7.2024. Ảnh: Vân Trang

Tha thiết mong mỏi chính sách cải cách tiền lương thực thi đúng lộ trình

Thanh Hằng LDO | 16/06/2024 06:20

Dự kiến bắt đầu từ ngày 1.7.2024, giáo viên trên cả nước sẽ được hưởng lương theo bảng lương mới. Vui mừng và mong chờ chính sách cải cách tiền lương sớm được triển khai đang là tâm lý chung của hầu hết giáo viên.

Vui mừng phấn khởi chờ ngày tăng lương

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, tiền lương sẽ được thiết kế theo cơ cấu mới: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Đồng thời, xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Công tác trong ngành Giáo dục gần 10 năm, khi biết tin lương nhà giáo sắp tới sẽ được chi trả theo vị trí việc làm và được ưu tiên xếp cao nhất, cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên - giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS Thuận Bắc (Ninh Thuận) không khỏi vui mừng và hy vọng chế độ tiền lương sắp tới sẽ giúp các thầy cô "sống được bằng lương".

Nữ giáo viên luôn mong chờ nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn để yên tâm cống hiến, dành thời gian nhiều hơn cho công tác chuyên môn mà không phải suy nghĩ đến gánh nặng cơm áo gạo tiền.

“Hiện nay, thu nhập của nghề giáo còn khá thấp. Tôi đứng lớp dạy học đã gần 10 năm nhưng thu nhập vẫn chưa đủ trang trải cho cuộc sống. Vì vậy, ngoài việc đi dạy, tôi còn phải kiếm thêm thu nhập bằng việc bán hàng online. Sau khi nhận được thông tin đề xuất xếp lương giáo viên ở vị trí cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng, hạnh phúc.

Bất cứ giáo viên nào cũng mong muốn được tăng lương. Để giáo viên sống hạnh phúc, yên tâm công tác thì việc tăng lương là điều cần thiết. Điều này cũng giúp chúng tôi đảm bảo cuộc sống, không phải làm nhiều việc "tay trái", toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người" - cô Mỹ Duyên bộc bạch.

Kỳ vọng chính sách thực thi đúng tiến độ

Là một giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Vui - giáo viên Trường Mầm non Nghi Ân (Nghệ An) - rất mong chờ vào chế độ tiền lương mới. Cô Vui cho biết, công việc hằng ngày của một giáo viên mầm non rất vất vả, chịu nhiều áp lực nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Khi được hỏi về chính sách cải cách tiền lương mới, hầu hết giáo viên đều bày tỏ sự phấn khởi, mong chờ. Đồng thời, mong muốn chính sách cải cách tiền lương sẽ được triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình đã đề ra.

"Chúng tôi mong mỏi đợt cải cách tiền lương vào đầu tháng 7 tới đây sẽ trở thành hiện thực để nhà giáo chúng tôi yên tâm công tác" - cô Vui chia sẻ.

Bên cạnh niềm vui, sự mong chờ về bảng lương mới, cô Vui còn bày tỏ sự băn khoăn vì chỉ hơn 2 tuần nữa là đến thời gian thực hiện cải cách tiền lương, nhưng cô và đồng nghiệp vẫn còn mơ hồ về cách tính bảng lương mới và chưa có thông tin về phương án bảng lương mới sẽ thay đổi cụ thể ra sao.

“Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác chỉ nắm được thông tin cải cách lương được thực thi từ ngày 1.7 tới đây, còn đến nay vẫn chưa nhận được chi tiết công thức tính lương mới thế nào” - cô Vui nói.

Từ trước tới nay, Việt Nam trải qua 4 lần cải cách tiền lương và lần gần nhất là năm 2003. Lần cải cách tiền lương thứ 5 (năm 2024) được nhìn nhận có nhiều điểm đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn