MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cần có sự tham gia chặt chẽ của ba bên gồm: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Ảnh: Đền Phú

Thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn

Đức Mạnh LDO | 27/11/2023 06:28

Công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực khó cả trong đào tạo lẫn thu hút sinh viên tham gia học tập. Số lượng nhân lực vẫn thiếu hụt dù đã có nhiều bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư và các thiết bị chuyển giao khoa học - công nghệ.

Sinh viên theo học không nhiều

Theo thống kê của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA), Việt Nam hiện có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, tập trung chủ yếu ở TPHCM, chiếm hơn 76%. Nhu cầu nhân lực của công nghiệp bán dẫn cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư/năm nhưng khả năng bổ sung cho nguồn nhân lực này chỉ đạt khoảng 20%. Điểm khó là trình độ nhân lực cần chuyên môn cao khi làm việc tại nhà máy yêu cầu cử nhân, kỹ thuật viên còn nhân lực thiết kế đòi hỏi bằng cấp tốt nhất.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, kỹ sư Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn thiên về thiết kế vật lý, còn thiết kế logic, thiết kế cấu trúc đòi hỏi kiến thức cao hơn lại chưa có nhiều. Do đó để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần phải đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế chuyên nghiệp thay vì lao động lành nghề để định vị thế mạnh của quốc gia trong hệ sinh thái chuỗi giá trị bán dẫn.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch, Đại học Bách Khoa Hà Nội - chỉ ra những khó khăn chính hiện nay: "Hiện số lượng giảng viên, sinh viên chưa cao. Cơ sở vật chất chuyên sâu cho bán dẫn và đầu tư cho phần mềm thiết kế thiếu vì đắt. Chưa có dự án có chế tạo thử nghiệm do chúng ta phải tự trả tiền. Sinh viên học đúng chuyên ngành thiết kế bán dẫn không nhiều vì đặc thù rất khó, không phải ai cũng học được.

Trong khi đó, thị trường lại thay đổi nhanh. Đặc biệt trong khâu thiết kế, các hãng vào đầu tư nhanh nhưng cũng có thể rút nhanh vì họ không đầu tư gì nhiều ngoài máy tính và phần mềm thiết kế.

Một thách thức nữa là sự cạnh tranh giữa các đơn vị. Nhiều bên muốn đào tạo chip, tuy nhiên đào tạo đi đâu thì chưa biết. Đầu tư cho đào tạo khoa học công nghệ còn nhỏ, số lượng ít. Nếu đi xin một đề tài thì chỉ được 2 năm mà chúng ta cần khoảng 5 - 10 năm cho chu kỳ đầu tư, chưa nói đến tài chính".

Lấp khoảng trống khi ra trường vẫn phải đào tạo lại

Về vấn đề sinh viên học nhiều năm ra trường vẫn phải mất từ 6 - 9 tháng để đào tạo lại, PGS.TS Nguyễn Đức Minh lý giải do mỗi doanh nghiệp yêu cầu sản xuất một loại chip đặc thù khác nhau. Do đó, kỹ sư mới tốt nghiệp chưa có kỹ năng về công cụ và máy móc hiện đại của doanh nghiệp cũng như kiến thức chuyên sâu về sản phẩm mà họ cần.

"Để thu hẹp khoảng cách này, chúng tôi đã áp dụng hình thức trong 2 học kỳ chuyên ngành, sinh viên được học cùng với doanh nghiệp thông qua hoạt động thực tập. Tại đây, sinh viên được sử dụng các công cụ, học từ các dự án thiết kế của doanh nghiệp. Do đó, thay vì kỹ sư mới ra trường phải đào tạo 9 tháng để có thể làm được sản phẩm thật thì giờ đây chỉ cần đào tạo thêm 3 - 6 tháng" - ông Minh cho biết.

Theo GS.TS Trần Xuân Hoài - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các khoa Điện - Điện tử, Khoa học máy tính, Kỹ sư vật lý có thể lựa chọn sinh viên xuất sắc năm cuối để đào tạo thêm một học kỳ về thiết kế, chế tạo, lắp ráp, đo kiểm chip (theo số lượng yêu cầu của doanh nghiệp đặt hàng).

Đồng thời dành nguồn kinh phí mà Chính phủ Mỹ tài trợ (khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD), cộng với đầu tư của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam để mở 2 - 4 phòng thí nghiệm thực hành cho các cơ sở đào tạo này" - GS.TS Trần Xuân Hoài đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn