MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng học phí 2 -5 lần gây áp lực không nhỏ lên phụ huynh có mức thu nhập thấp. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Thái Nguyên: Phớt lờ yêu cầu từ Chính phủ, học phí vẫn tăng gấp 2 - 5 lần

Nguyễn Tùng - Nguyễn Hoàn LDO | 02/03/2023 18:58
Mặc dù Chính phủ đã có yêu cầu không tăng học phí năm học 2022 - 2023 nhưng theo ghi nhận, mức học phí tại Thái Nguyên vẫn tăng từ 2-5 lần.

Gánh nặng học phí

Thời gian qua, nhiều giáo viên, đặc biệt là phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phản ánh về mức học phí năm học 2022 - 2023 tăng từ 2 - 5 lần so với năm 2021 - 2022 gây áp lực không nhỏ lên phụ huynh có mức thu nhập thấp.

Theo đó, ngày 29.8.2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2022 - 2023.

Mức học phí tăng từ 2 - 5 lần so với năm học 2021 - 2022.

Cụ thể, mức thu đối với vùng thành thị (các phường thuộc 3 thành phố) là 300 nghìn đồng/tháng/học sinh (trừ cấp tiểu học).

Vùng nông thôn (thị trấn trung tâm các huyện, các xã không phải xã khu vực I,II,III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi) là 100 nghìn đồng/tháng/học sinh trung học cơ sở (THCS) và mầm non, 200 nghìn đồng/tháng/học sinh trung học phổ thông (THPT). 

Vùng dân tộc thiểu số, miền núi là 50 nghìn đồng/tháng/học sinh THCS và mầm non, 100 nghìn đồng/tháng/học sinh THPT.

Phụ huynh học sinh thuộc tỉnh Thái Nguyên lo lắng trước mức học phí tăng 2 - 5 lần. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Chị Nguyễn Thị Lan Hương (40 tuổi), thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có 2 cháu, cháu bé đang theo học THCS, cháu lớn học Đại học.

Chị Hương chia sẻ, đầu năm học là thời điểm nặng gánh nhất của phụ huynh, vì có nhiều khoản tiền phải nộp như: Học bạ, sổ liên lạc, đồng phục, sách vở, tiền học phí... ngoài ra hằng tháng còn thêm các khoản phụ phí như nước uống, sinh hoạt, kỹ năng sống, tiền thuê trọ...

"Trước đây, khi học phí chưa tăng, mỗi tháng, dù tiết kiệm gia đình tôi cũng tốn từ 4 - 5 triệu cho các cháu ăn học. Nay học phí tăng lên từ 2 - 5 lần, tôi rất lo lắng vì đó là khoản tiền không nhỏ với gia đình tôi" - chị Hương chia sẻ.

Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Duy (Chùa Hang, TP.Thái Nguyên) cũng lo lắng trước việc tăng học phí. Gia đình anh làm nghề tự do, mỗi tháng 2 vợ chồng thu nhập hơn 10 triệu đồng, hiện có 2 con đang theo học cấp THCS.

Anh Duy cho biết: "Việc tăng học phí từ 2 - 5 lần trong bối cảnh sau 2 năm dịch COVID-19, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn đã gây sức ép, gánh nặng không nhỏ, nhất là đối với những phụ huynh có thu nhập thấp như gia đình tôi".

Chưa thực hiện yêu cầu của Chính phủ

Liên quan đến việc thu học phí, ngày 20.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm 2022 - 2023, yêu cầu không tăng học phí so với năm học trước (2021 - 2022).

Sau đó, ngày 27.12.2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản hoả tốc số 3110/SGDĐT-KHTC yêu cầu tạm dừng thu học phí tháng 1.2023 (học kỳ II) năm học 2022 - 2023.

Tuy nhiên, ngày 6.1.2023 (tức sau gần 10 ngày ban hành văn bản 3110), Sở GDĐT đã ban hành văn bản số 34/SGDĐT-KHTC nội dung thu hồi văn bản số 3110 trước đó và tiếp tục thực hiện việc thu phí học kỳ 2 năm học 2022 - 2023 theo mức thu ban hành trước đó.

Tiếp tục giữ mức thu cao 2 -5 lần so với năm học trước. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Với mức học phí tăng từ 2 - 5 lần so với năm học trước. Điều này, trái với tinh thần chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí so với năm học trước.

Ngày 1.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Mạnh Thuỷ - Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết, liên quan đến phản ánh, kiến nghị của phụ huynh học sinh trên địa bàn về việc tăng học phí phía cơ quan có thẩm quyền đang triển khai xử lý từng bước theo quy trình.

"Có thể phụ huynh chưa hiểu rõ, việc triển khai phải theo từng bước, cái gì được giảm thì sau đó sẽ hoàn trả lại tiền cho người dân. Chứ không phải không làm, một số người dân chưa thấy triển khai ngay thì sốt ruột".

Phụ huynh học sinh trên địa bàn Thái Nguyên mong muốn tỉnh sớm thực hiện nội dung Nghị quyết 165 của Chính phủ, không tăng học phí so với năm trước, giảm gánh nặng cho những phụ huynh thu nhập thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn