MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ với diễn giả về mục tiêu có 5 chương trình đào tạo trình độ đại học đạt kiểm định ABET vào cuối năm 2023.

Tham gia kiểm định chất lượng, trường đại học được nhiều hơn mất

Bích Hà LDO | 27/05/2022 22:04

Khẳng định việc tham gia kiểm định chất lượng, nhất là kiểm định quốc tế là một quá trình khó khăn, tốn kém và cần sự đồng thuận, nhưng theo đại diện các trường đại học, đây là xu thế tất yếu, buộc các trường phải tham gia để góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Khuyến khích kiểm định quốc tế

Tại diễn đàn “Các giá trị của kiểm định quốc tế và câu chuyện thành công” do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 27.5, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về những cơ hội, thách thức trong việc nâng cao tầm cỡ của trường thông qua các đánh giá và kiểm định quốc tế.

Theo ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), đến thời điểm này, Việt Nam đã có 652 chương trình đào tạo được kiểm định, chiếm khoảng 12% trong tổng chương trình đào tạo ở Việt Nam. Trong đó, mới có khoảng 242 chương trình được kiểm định của tổ chức nước ngoài.

Theo Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018), kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng đào tạo, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và là căn cứ để nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Ông cho rằng, trong xu thế hiện nay, việc kiểm định ngày càng đóng vai trò quan trọng, thể hiện sự nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội. Theo lộ trình, ít nhất đến 2025 sẽ phấn đấu có khoảng 25% chương trình đào tạo được kiểm định. Tùy theo điều kiện của mình, các trường có quyền lựa chọn các tổ chức để kiểm định chất lượng, nhưng khuyến khích kiểm định quốc tế, hướng đến việc hội nhập trong giáo dục đào tạo.

Cũng theo ông Phong, việc các trường tham gia kiểm định chất lượng mang lại rất nhiều thứ. Mỗi tổ chức kiểm định có những bộ tiêu chí riêng, giúp các trường soi chiếu và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.  Sinh viên cũng sẽ có môi trường học tập tốt hơn, phát huy năng lực, nhờ đó sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để tạo điều kiện cho các trường, đại diện Bộ GDĐT cho biết, thời gian tới Bộ sẽ sửa đổi thông tư về kiểm định, trong đó cho phép các trường đại học được lựa chọn tổ chức để kiểm định, trong đó bao gồm cả tổ chức kiểm định của nước ngoài. Kèm theo đó, Bộ sẽ ban hành thông tư về việc giám sát các tổ chức kiểm định, để đảm bảo việc đánh giá được khách quan, minh bạch.

Các diễn giả tham dự diễn đàn "Các giá trị của kiểm định quốc tế và câu chuyện thành công".

3 yếu tố quyết định sự thành công khi tham gia kiểm định chất lượng

Cũng tại diễn đàn, lãnh đạo các trường đại học đã chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia kiểm định chất lượng, nhất là các tổ chức kiểm định quốc tế, trong đó có kiểm định ABET (kiểm định chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ).

Là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt được kiểm định ABET (được xem là tổ chức kiểm định uy tín nhất thế giới), PGS.TS Phạm Trần Vũ - Trưởng Khoa Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính của Trường Đại học Bách khoa TPHCM - thừa nhận quá trình tham gia kiểm định có nhiều khó khăn, nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để vượt qua khó khăn đó. 

Theo ông có 3 yếu tố quyết định sự thành công. Đầu tiên là sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường. Thứ hai là cần sự nỗ lực của lãnh đạo khoa, bộ môn tham gia kiểm định. Và cuối cùng là giảng viên, nhân viên trong trường phải đồng thuận tham gia.

Đại diện Trường Đại học Công nghiệp TPHCM thì khuyến cáo các trường không kiểm định theo phong trào, mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Đây là một cuộc chơi cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Các trường cần phải coi việc nâng cao chất lượng là một quá trình cải tiến không ngừng. Và quan trọng hơn hết là xây dựng được "văn hóa bảo đảm chất lượng" trong trường đại học.

Diễn đàn “Các giá trị của kiểm định quốc tế và câu chuyện thành công”  thuộc dự án “Thúc đẩy hợp tác trường đại học - doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ” (BUILD-IT) của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ đã triển khai tại nhiều trường đại học ở Việt Nam.

Trong 7 năm qua, BUILD-IT đã hỗ trợ các trường đại học Việt Nam triển khai những hệ thống ưu việt trong các trường đại học đối tác để giúp họ đạt được kiểm định và chứng nhận quốc tế, ví dụ như Kiểm định ABET hoặc đánh giá AUN-QA.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn