MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thành tựu và thách thức chuyển đổi số trong giáo dục ở Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG LDO | 01/12/2023 17:42

Ngày 1.12, TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) với chủ đề “chủ động - hợp tác - chia sẻ”.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho rằng, hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp, phát huy những thành tựu đã đạt được, từng bước thực hiện thắng lợi kế hoạch chuyển đổi số của ngành GDĐT thành phố.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Yến Phương

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin, thời gian qua, đối với lĩnh vực giáo dục thông minh, thành phố đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện. Điển hình là Trung tâm điều hành giáo dục thông minh gắn với việc hình thành cơ sở dữ liệu quản lý toàn ngành GDĐT thành phố.

Đồng thời, trang bị các phương tiện, thiết bị ứng dụng được công nghệ thông tin vào các phòng học; xây dựng hệ thống thư viện điện tử của các trường; giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm dữ liệu, tài nguyên trên internet…

Cần Thơ vừa ra mắt Trung tâm điều hành giáo dục thông minh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 22.11. Ảnh: Yến Phương

Theo ngành GDĐT TP Cần Thơ, năm học 2023 - 2024, Cần Thơ có 467 cơ sở giáo dục. Trong đó, bao gồm 72 trường mầm non, 177 trường tiểu học, 67 trường THCS, 30 trường THPT, 11 trường phổ thông có nhiều cấp học, 1 trung tâm GDTX, 9 trung tâm GDNN - GDTX.

Về kết quả chuyển đổi số trong giáo dục, hiện nay, 100% học sinh, gia đình học sinh cấp THCS, THPT có điều kiện tiếp cận với giáo dục trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cấp sở, cấp phòng được xử lý dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; khoảng 76,19% hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4.

Trải nghiệm các giải pháp chuyển đổi số tại hội thảo. Ảnh: Yến Phương

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế. Cụ thể, hệ thống đường truyền internet chưa đảm bảo tính đồng bộ; việc lưu trữ dữ liệu còn phân tán trên các thiết bị, hệ thống khác nhau.

Mặt khác, nhân lực về công nghệ thông tin chưa đồng đều, còn giáo viên lớn tuổi ngại tiếp cận, hoặc tiếp cận chưa hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý nhà trường. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa có tính chủ động cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Số phòng học được trang bị thiết bị thông minh còn ít; số thiết bị hiện có chưa đáp ứng yêu cầu về cấu hình, xuống cấp; việc trang bị thiết bị thông minh tại các phòng học của các cơ sở giáo dục thiếu tính đồng bộ.

Cùng với đó, phần mềm được sử dụng chưa đồng bộ; tính bảo mật chưa cao; thiếu tính liên kết (do chưa có quy định về chuẩn kết nối, liên thông trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng). Hồ sơ, học bạ của học sinh chỉ ở mức độ “tin học hóa”, chưa đáp ứng yêu cầu về “hồ sơ, học bạ số”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn