MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi vào lớp 10 được ví là căng thẳng hơn thi đại học. Ảnh: Văn Thắng

Thay đổi phương án thi vào lớp 10: Đừng tăng áp lực lên học sinh

Đặng Chung LDO | 16/08/2018 13:28
Không chỉ phụ huynh, mà giáo viên ở Hà Nội cũng mong giữ ổn định kỳ thi vào lớp 10. Không nhiều người lựa chọn phương án thi thêm bài thi tổ hợp, vì sẽ tăng áp lực cho cả học sinh và phụ huynh.

Thận trọng lựa chọn phương án thi bài tổ hợp

Thay vì phương án dự kiến thi tổ hợp vào năm 2019 như công bố trước đó, ngày 13.8, Sở GDĐT Hà Nội bất ngờ đưa ra 3 phương án tuyển sinh lớp 10 để lấy ý kiến thay đổi trong mùa tuyển sinh tới.

Những ngày qua, nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục đã đưa ra lựa chọn, lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm.

Không ít phụ huynh cho rằng, thi thêm môn sẽ tăng áp lực cho con trẻ, trong khi điều chúng ta hướng đến là làm cho việc thi cử ngày càng nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, các chuyên gia lại nghĩ, nếu lựa chọn phương án thi thêm môn sẽ giảm việc học lệch của học sinh.

Trước những tranh luận về việc lựa chọn phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội, TS Lê Thống Nhất đã đưa ra phân tích, góp ý với Sở GDĐT Hà Nội.

 TS Lê Thống Nhất đã gửi những góp ý về kỳ thi vào lớp 10 đến Sở GDĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo ông, với phương án 2 (thi hai môn Văn và Toán), tuy đạt được sự ổn định về tâm lý cho học sinh và cho cả thầy cô vì đã được áp dụng nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn bộc lộ những nhược điểm. Đó là việc học sinh học lệch (chỉ tập trung vào Toán và Ngữ văn), phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của các thầy cô và của mỗi trường.

Với phương án 3 (ngoài Toán và Văn, học sinh sẽ thi thêm bài thi tổ hợp gồm 4 môn nữa), số môn mà học sinh phải ôn tập là 6 môn.

“Học sinh lớp 9 ôn tập để tuyển sinh lớp 10 mà phải dùng đến 6 môn thi là quá nhiều. Bài học của Hải Phòng khi đưa ra số môn phải học để thi tuyển sinh lớp 10 đã tạo nên phản ứng của xã hội và năm học 2018 - 2019 đã phải thay đổi. Do đó, Sở GDĐT Hà Nội cần thận trọng nếu chọn phương án thi thêm bài tổ hợp”- TS Lê Thống Nhất góp ý.

Về quan điểm cá nhân, ông cho rằng, phương án 1 (học sinh sẽ thi 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi còn lại thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay, lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3.

“Thi thêm môn là không cần thiết”

Đây là quan điểm của thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) về các phương án thi vào lớp 10 mà Sở GDĐT Hà Nội đang lấy ý kiến.

"Cá nhân tôi chọn phương án 2, là giữ ổn định kỳ thi vào lớp 10, chỉ thi hai môn Văn - Toán, kết hợp xét tuyển” - thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

 Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng.

Nói về lý do đưa ra lựa chọn này, thầy Hùng phân tích: "Quan điểm của Sở GDĐT đưa ra là thi nhiều môn để đảm bảo việc học toàn diện, đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện ở cấp học dưới. Tôi thấy điều đó cũng được Sở yêu cầu thông qua phương án tuyển sinh cũ rồi. Đó là học sinh được cộng điểm quy đổi, điểm rèn luyện 4 năm.

Thực ra, muốn đạt học sinh giỏi, các em phải nỗ lực học đều hết các môn. Nếu các thầy cô dạy học nghiêm túc, không có chuyện làm đẹp học bạ, thì hình thức dùng điểm tổng kết các năm để quy đổi tính điểm xét tuyển khi học sinh thi vào lớp 10 cũng là một cách để học sinh học toàn diện, chứ không nhất thiết phải thi mới học đầy đủ.

Khi chúng ta đã đưa ra các bài thi, rất khó để giảm được việc dạy thêm, học thêm. Vì có thi sẽ có ôn thi. Nếu học ở trường chưa đủ, trong khi yêu cầu cạnh tranh rất lớn, thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc luyện thi.  Điều này chỉ gây ra áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh, khiến các em căng thẳng và vất vả hơn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn