MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình dự án "Cày đa năng kết hợp tưới tiêu" của học sinh THCS huyện Phù Mỹ (Bình Định) dự thi khoa học kỹ thuật cấp huyện, trong khi đã có những sản phẩm tinh xảo xuất hiện trên thị trường trước đó nhiều năm. Ảnh: Ban tổ chức cuộc thi.

Thấy gì qua một số cuộc thi Khoa học kỹ thuật của học sinh năm 2002- 2023?

QUANG ĐẠI LDO | 20/12/2022 09:22

Mặc dù dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2022 - 2023 vẫn tiếp tục diễn ra. Cùng với đó, xuất hiện nhiều hiện tượng có dấu hiệu trùng lặp, sao chép dự án trước đó.

Ngày 15.12, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Mỹ (Bình Định) tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp huyện, năm học 2022-2023. Cuộc thi đã chọn 26 sản phẩm tiêu biểu thuộc 22 lĩnh vực dự thi để dự thi vòng 2. Kết quả, có 23/26 sản phẩm được công nhận đạt giải.

Sản phẩm “Máy cày đa năng” của anh Tạ Đình Huy ở xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội), sản xuất năm 2016. Ảnh: Sơn Anh.

Nhận xét về cuộc thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, ban tổ chức cuộc thi đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, gồm: "Một số dự án chưa được đầu tư cao còn mang tính hình thức; lĩnh vực tham gia chưa phong phú. Một số sản phẩm chưa có tính mới, còn lặp lại ý tưởng từ những năm trước, chưa có cải tiến đột phá về kỹ thuật; chưa có hiệu quả kinh tế cao, chưa có ứng dụng thực tiễn.

Phần lớn các dự án đều thiếu phần chuẩn bị về nhật ký nghiên cứu. Một số tác giả còn thiếu tự tin, bình tĩnh và chưa phát huy hết vai trò của thiết bị, phương tiện hỗ trợ trong quá trình dự thi".

Trong cuộc thi nói trên, mặc dù đối tượng dự thi là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng có rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực chuyên môn sản xuất nông nghiệp: “Giữ gìn và phát triển bền vững thương hiệu cá lóc Trà Ổ, Phù Mỹ", "Phát huy nghề trồng ngô ở xã Mỹ An”, "Phát triển bền vững nghề sản xuất bún”, "Hướng đi mới nghề trồng ớt của người dân xã Mỹ Chánh”, "Khuyến khích trồng sen hiệu quả trên chân ruộng trũng ở xã Mỹ Cát”, "Hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa”...

Nhiều dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xuất hiện tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh huyện Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: Ban tổ chức cuộc thi.

Đáng chú ý, nhiều dự án kỹ thuật có dấu hiệu trùng lặp, sao chép các mô hình, sản phẩm đã có sẵn trên thị trường từ  trước đó nhiều năm như: "Hệ thống xe phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa”, “Cày đa năng kết hợp tưới tiêu”, “Thiết bị cuốn ống nước bằng nhựa mềm”...

Qua hình ảnh, có thể nhận thấy so với các sản phẩm có sẵn trên thị trường đã được chế tạo hoàn hảo, tinh xảo, có khả năng sử dụng, các mô hình dự án của học sinh dự thi khoa học kỹ thuật lại thô sơ và lạc hậu hơn, khả năng ứng dụng kém.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện dành cho học sinh trung học cơ sở năm học 2022 – 2023 huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tổ chức ngày 30.11.2022.

Mô hình dự án “Máy cắt cỏ chạy ắc quy” của học sinh THCS huyện Huyện Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Nga
Sản phẩm máy cắt cỏ chạy pin được rao bán trên thị trường từ nhiều năm trước. Ảnh: Hải Đăng.

Tại cuộc thi này, các dự án: "Máy khoan cắt mài 3 trong một", “Mô hình trồng rau thủy canh tuần hoàn”, “Máy cắt cỏ chạy bằng pin...”...đều đã có sản phẩm bán trên thị trường từ nhiều năm trước.

Báo Lao Động cũng đã phản ánh tình trạng nhiều dự án thi khoa học kỹ thuật và thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng được rao bán trên mạng xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn