MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiết học Lịch sử của cô trò Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: Quỳnh Trang

Thầy và trò Nghệ An chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 từ sớm, từ xa

Quỳnh Trang LDO | 19/12/2023 18:01

Nắm bắt được phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chủ động tuyên truyền, phổ biến phương án thi mới tới học sinh. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh lựa chọn môn thi phù hợp.

Chủ động tuyên truyền, phổ biến phương án thi mới tới học sinh

Năm học này, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) có 30 lớp với khoảng hơn 1.000 học sinh. Trong đó, lớp 11 có 10 lớp, với hơn 400 học sinh và chia thành 4 nhóm theo tổ hợp môn lựa chọn.

Sau khi Bộ GDĐT công bố phương án thi mới, nhà trường đã kịp thời nắm bắt, triển khai cho giáo viên, học sinh, đặc biệt là các em học lớp 11 biết số lượng môn thi cũng như những điểm mới của kỳ thi.

Mới đây, nhà trường đã tổ chức buổi tư vấn cho học sinh toàn trường, đặc biệt là lứa đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Học sinh rất vui mừng vì sớm có những định hướng hữu ích.

Theo thầy Trần Đình Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, phương án thi mới có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Điều đó giúp học sinh có cơ hội lựa chọn môn thi là thế mạnh. Từ đó, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh có thêm thuận lợi.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đặt câu hỏi trong một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Quỳnh Trang

Thầy Lê Doãn Đông - tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách - nhìn nhận: Phương án thi mới, môn Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, ngoại ngữ vẫn là môn công cụ, các trường đại học, cao đẳng tiếp tục xem đây là môn điều kiện trong xét tốt nghiệp. Vì thế, học sinh cần xác định động cơ, mục tiêu học tập phù hợp.

Thầy Lê Văn Quyền - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) - nhấn mạnh: Phương án thi tốt nghiệp THPT mới đòi hỏi nhà trường phải dạy và học đều các môn học, tránh trường hợp coi trọng môn này, nhẹ môn kia...

Học sinh trang bị kiến thức sẵn sàng tâm thế trước kỳ thi đổi mới. Ảnh: Quỳnh Trang

Do đó, trong công tác giáo dục cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng khiếu cho học sinh.

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh có thêm nhiều thuận lợi

Ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An - cho hay: Với phương án thi tốt nghiệp THPT vừa được công bố, sở GDĐT đã triển khai đến các trường THPT. Theo đó, mỗi đơn vị cần nỗ lực, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với khối lớp 10 và 11.

Trường THPT Thanh Chương 3 triển khai công tác chuyên môn. Ảnh: Quỳnh Trang

Riêng khối 12 cần triển khai đúng phân phối chương trình, đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; quan tâm bồi dưỡng học sinh có học lực yếu, kém.

Trong đó, việc định hướng học sinh rất quan trọng, hiện cấp THPT học sinh được phân hóa rõ rệt ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp bằng cách lựa chọn tổ hợp môn.

Thay vì học nhiều môn như trước đây thì hiện tại ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn thêm 4 môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật,...)

Quá trình phân hóa này đòi hỏi học sinh phải biết rõ sở trường, năng lực bản thân để có thể chọn các môn học, môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho rằng, dù hình thức thi như thế nào thì khung chương trình không thay đổi, vẫn phải đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học và ôn tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, cách vận dụng các đơn vị kiến thức, kỹ năng làm bài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn