MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: HUBT

Thế lực nào đang thao túng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội?

Nhóm PV LDO | 16/04/2024 06:02

Như Lao Động đã đưa tin, dù có quyết định của Thủ tướng, văn bản đôn đốc của các bộ, ngành nhưng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn không thành lập Hội đồng trường. Nhiều nhà đầu tư cho rằng có một nhóm thế lực đang thao túng trường.

Nhiều năm không thấy hiệu trưởng nhưng lại thấy chữ ký

Theo công bố của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Hiệu trưởng nhà trường hiện nay vẫn là GS Trần Phương.

Tuy nhiên, phản ánh tới báo Lao Động, các nhà đầu tư cho rằng, nhiều năm nay, GS Trần Phương đã không thể trực tiếp điều hành mọi hoạt động của trường do sức khỏe yếu.

Theo điều lệ trường đại học mà Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành năm 2014 thì độ tuổi của hiệu trưởng trường đại học tư thục không được quá 75 tuổi đối với nam và 70 tuổi với nữ. Như vậy, GS Trần Phương hiện không đủ tiêu chuẩn điều kiện để làm Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Cũng theo thông tin của nhiều nhà đầu tư, từ năm 2017 (thời điểm GS Trần Phương bắt đầu lâm bệnh và dần không trực tiếp lãnh đạo trường) đến nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Một nhà đầu tư cho rằng, chức danh hiệu trưởng hiện nay chỉ còn trên danh nghĩa, nhưng chữ ký khắc gỗ của ông Phương vẫn được dùng để cấp bằng tốt nghiệp cho người học. Mỗi năm có trên 5.000 người cả cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp.

Đáng nói, con dấu trên khắc chữ ký khô của GS Trần Phương không phải do đơn vị chức năng (văn phòng của trường) quản lý theo quy định mà do con gái của GS Trần Phương (tên là Uyên) giữ tại tư gia.

Mỗi lần cần có chữ ký của GS Trần Phương là nhà trường phải cử người đưa văn bản, hồ sơ đến nhà riêng của GS Trần Phương gặp bà Uyên để được đóng dấu chữ ký vào.

Dấu hiệu thao túng quyền lực?

Trong đơn tố cáo của ông Lại Việt Hùng gửi đến Báo Lao Động còn đề cập đến việc, ông Nguyễn Công Nghiệp - Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vi phạm pháp luật khi cố ý sử dụng chữ ký (chữ ký đóng dấu) của GS Trần Phương để điều hành gần hết hoạt động của trường, chi tiêu tài chính, vi phạm Luật Kế toán Tài chính và quy chế tài chính của trường. Doanh thu hằng năm đạt từ 350 – 400 tỉ đồng từ nguồn tiền học phí.

Về vấn đề này, Báo Lao Động đã liên hệ làm việc với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, song vẫn chưa nhận được phản hồi.

Về phía Bộ GDĐT, ngày 25.3.2024, Thanh tra Bộ đã có văn bản gửi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề nghị trường báo cáo Bộ về một số nội dung như: Hiện GS Trần Phương có điều hành công việc hàng ngày của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với chức vụ hiệu trưởng theo quy định của pháp luật hay không? Báo cáo toàn bộ nội dung về việc sử dụng dấu chữ ký của GS Trần Phương,...Thời hạn báo cáo là ngày 30.3.2024.

Giữa lúc sự việc chưa ngã ngũ, chữ kí của GS Trần Phương vẫn xuất hiện trên nhiều văn bản điều hành, chỉ đạo của trường.

Văn bản có chữ kí của GS Trần Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đơn cử như văn bản "Chỉ đạo của hiệu trưởng về việc trình ký văn bản, tài liệu, hồ sơ công việc" ngày 18.3.2024, yêu cầu tất cả văn bản trình xin ý kiến hiệu trưởng/chủ tịch hội đồng trường phải có chữ ký nháy của ông Nghiệp. Văn bản này được ký bằng chữ ký "khô" của GS Trần Phương.

Theo một nhà đầu tư, việc sử dụng chữ ký khô của GS Trần Phương đã giúp một số người thao túng mọi hoạt động của nhà trường. Điều đáng lo ngại, đây là mối đe dọa mất vị trí công tác, việc làm với cán bộ, giảng viên của trường, buộc họ phải tuân thủ ý muốn của nhóm lợi ích sở hữu chữ ký khô.

Chính vì lí do này, nhà đầu tư khẩn thiết kiến nghị Bộ GDĐT với chức năng quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo, chỉ đạo đưa Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vượt qua khủng hoảng.

"Tôi đề nghị hủy bỏ ngay việc sử dụng con dấu của GS Trần Phương và thu hồi, hủy, đình chỉ các văn bản, tổ chức hoạt động sai trái tại trường. Bộ GDĐT cần trực tiếp chỉ đạo trường thực hiện Quyết định 671 của Thủ tướng Chính phủ, sớm bầu được Hội đồng trường" - một nhà đầu tư đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn