MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loạt tin vui sau tăng lương, giáo viên mầm non yên tâm cống hiến. Ảnh: Khánh Linh

Thêm 3 tin vui về lương, giáo viên mầm non miền núi yên tâm cống hiến

Minh Nguyễn LDO | 02/07/2024 12:11

Bên cạnh việc tăng lương cơ sở, giáo viên mầm non còn đón thêm các tin vui khác giúp họ yên tâm cống hiến. Đặc biệt là giáo viên mầm non vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.

Theo đó, cả giáo viên mầm non là viên chức trong cơ sở giáo dục công lập và giáo viên mầm non là người lao động đều đón nhận tin vui về lương.

Thu nhập của giáo viên mầm non tăng mạnh sau 1.7.2024. Với giáo viên mầm non là viên chức, sẽ được tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng tương đương tăng thêm 30%.

Đồng thời, giáo viên mầm non cũng như công chức, viên chức khác cũng được thực hiện chế độ tiền thưởng từ 1.7.2024.

Còn với giáo viên mầm non là người lao động, Quốc hội đã thống nhất thực hiện tăng mức lương tối thiểu vùng 6% so với năm 2023, áp dụng từ ngày 1.7.2024. Đây là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho giáo viên hợp đồng.

Giáo viên miền núi hiện còn nhiều khó khăn. Ảnh: Khánh Linh

Ngoài việc tăng lương cơ sở thì hiện nay, giáo viên mầm non đang được Bộ GDĐT đề nghị Bộ LĐTBXH xét là nghề nặng nhọc, nguy hiểm.

Nếu đề xuất này được thông qua, thì giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường. Được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương với thời gian dài hơn, 14 ngày làm việc so với 12 ngày khi làm công việc trong điều kiện bình thường…

Đặc biệt, giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu sớm hơn tuổi. Dù chưa được công nhận là ngành, nghề độc hại, nguy hiểm nhưng tại khoản 1 Điều 46 Dự thảo Luật Nhà giáo, giáo viên mầm non được đề xuất nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Với những tin vui này, hàng trăm nghìn giáo viên trên cả nước phấn khởi, yên tâm cống hiến.

Là giáo viên giảng dạy tại điểm Trường Nặm Căn - Trường Mầm non Ban Mai (xã biên giới Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã gần 10 năm nay. Mỗi ngày, cô giáo Vì Thị Hà đều đặn vượt gần 20km, men theo con đường nhỏ vắt ngang sườn núi vùng biên để dạy các em nhỏ.

Bà Bùi Thị Lượn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ với PV Báo Lao Động. Ảnh: Khánh Linh

Đã thành thói quen, mỗi lần đến trường, trên tay nữ giáo viên này đều cầm theo một bọc cơm kèm thức ăn, đó vừa là bữa trưa của cô ở trường, vừa mang dư để học trò ăn thêm cải thiện. Dù khó khăn vất vả, nhưng chưa bao giờ nữ giáo viên này chùn bước.

Cô Hà chia sẻ: "Sau bao nhiêu năm cống hiến, mới đây được biết thông tin sẽ được tăng lương cơ sở, giữ lại phụ cấp thâm niên và thêm nhiều ưu đãi khác khiến chúng tôi không khỏi xúc động".

Theo nữ giáo viên này, việc tăng lương cơ sở giúp chị có thêm gần 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm các loại phụ cấp khác là động lực để những giáo viên vùng biên gắn bó với nghề.

"Chúng tôi đã có thể yên tâm cống hiến, vơi bớt đi nỗi lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền" - cô Hà chia sẻ.

Chia sẻ với PV, bà Bùi Thị Lượn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Sau khi đón nhận liên tiếp các tin vui sau tăng lương cơ sở, giáo viên mầm non chúng tôi khá hài lòng với chính sách của Nhà nước và cảm thấy như trút được những lo lắng, trăn trở bấy lâu nay về tiền lương và chế độ đãi ngộ".

Vị Hiệu trưởng cho hay, điều các cô mong mỏi nhất là việc giáo viên mầm non được công nhận là ngành, nghề độc hại, nguy hiểm.

"Quá nửa đời người cống hiến cho ngành giáo dục mầm non, tôi hiểu rõ những vất vả mà các giáo viên mầm non đang phải chịu. Chính vì thế, điều trăn trở lớn nhất là việc công nhận giáo viên mầm non là ngành độc hại, nguy hiểm để có thêm chế độ đãi ngộ cho thầy cô giáo" - bà Lượn nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn