MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thi cử trong chương trình mới có nhiều thay đổi với kiến thức ngoài sách giáo khoa

HUYÊN NGUYỄN LDO | 19/01/2018 20:58
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GDĐT tổ chức ngày 19.1.

Theo Thứ trưởng GDĐT Nguyễn Hữu Độ, chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới được chuẩn bị từ lâu. Ban soạn thảo đã tiếp thu chọn lọc để sản phẩm được công bố, xin ý kiến nhân dân.

Mục tiêu của chương trình là đổi mới căn bản toàn diện, kết hợp việc dạy làm người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển biến từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Chương trình mới đáp ứng được yêu cầu và xây dựng theo hướng phát triển Kinh tế Xã hội từng địa phương.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: Tiếng việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

 

Chương trình mới có 4 đặc điểm là các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể; chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; thực hiện tích hợp các môn và liên môn và áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động.

Cũng từ đây, yêu cầu về thay đổi thi cử được đặt ra. GS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên môn ngữ văn cho biết: “Liên quan tới đánh giá thi cử, đúng là đánh giá phải thay đổi. Môn ngữ văn mới mở độ rộng cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo. Để ứng với chuyện chương trình mở như thế, yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn chương trình và yêu cầu cần đạt được của chương trình chứ không căn cứ vào bất cứ SGK nào.

Người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong SGK. Chúng ta cần dạy cho học sinh cách đọc văn bản. Như vậy, hoàn toàn có thể đo được năng lực vận dụng thực hành từ các lí thuyết đã được học để giải quyết một tình huống mới”.

Tương tự, ông Mai Sĩ Tuấn – Chủ biên môn khoa học tự nhiên nhấn mạnh xu hướng trên thế giới chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực. Chúng ta nhấn mạnh phát triển năng lực thì phải trả lời câu hỏi học sinh học xong thì làm được gì chứ không phải là học được gì.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ nay đến năm 2020 được giữ ổn định như hiện nay. Tuy nhiên, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thi cử sẽ thay đổi.

“Qua đấu thầu, Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng giáo dục, thuộc Hiệp hội các trường đại học Việt Nam đã trúng thầu. Đơn vị này sẽ có nghiên cứu và báo cáo Bộ về chuẩn bị đổi mới hình thức đánh giá năng lực học sinh, trong đó có thi tốt nghiệp THPT và sớm có báo cáo với Bộ trưởng", GS. Thuyết cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn