MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ trung tâm ôn thi nào. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Thi đánh giá năng lực: Có nên tìm "lò" luyện thi cấp tốc?

Hồng Nhật - Thiều Trang LDO | 12/04/2021 16:46

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia Hà Nội, vì vậy nhiều phụ huynh và thí sinh đã bày tỏ lo lắng về việc có nên tìm "lò" luyện thi cấp tốc để phục vụ việc ôn luyện và tăng khả năng đạt điểm cao trong kỳ thi hay không?

Đừng mất công ôn thi, học tủ nếu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực

Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT phục vụ nhiều mục đích, trong đó có mục đích dùng kết quả để tuyển sinh vào các trường, khoa trực thuộc đại học này.

Trước băn khoăn của phụ huynh về việc ôn luyện trước kỳ thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, thí sinh không cần đi học thêm và luyện thi kỳ thi đánh giá năng lực. Bởi vì, bài thi đánh giá năng lực không phải là những bài đố mẹo. Bản chất của luyện thi chỉ để giải quyết bài thi đố mẹo, đố khó và những bài thi chỉ ra một lần.

“Các đơn vị luyện thi có thể giới thiệu, chèo kéo phụ huynh học sinh rất hấp dẫn. Nhưng đứng ở góc độ ra đề và làm đề, Trung tâm Khảo thí Quốc gia khẳng định, thí sinh không nên đi luyện thi” - GS Thảo nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồng Nhật

Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông tin thêm, đề luôn được cập nhật mới, ngân hàng câu hỏi đủ lớn để mỗi thí sinh 1 đề, không có tình trạng trùng đề trong cùng 1 đợt thi và độ khó giữa các đề là như nhau.

Theo đó, ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội có tới 12.000 đến 15.000 câu hỏi. Vì vậy GS Thảo khẳng định, không có một lò luyện thi nào có thể bao quát hết số lượng câu hỏi này. Trong khi đó, thí sinh có thể tự ôn luyện và làm tốt khoảng 300 câu hỏi là đã có năng lực bằng những thí sinh được xét tuyển thẳng.

Lớp 10 và lớp 11 có nên thi đánh giá năng lực để biết?

Thông tin về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên cơ sở lý thuyết không cấm điều này, nhưng trong quy định thì thí sinh phải hoàn thành chương trình lớp 12.

Theo đó, đề thi phải bố trí kiến thức đa phần của lớp 12, lớp 10 và 11 chỉ chiếm số ít. Do đó, với những thí sinh học lớp 10 và lớp 11 sẽ không đủ kiến thức để các bạn đạt điểm cao. Cho dù có đăng kí thì điểm số chỉ được 1 nửa, số điểm này không đủ điểm sàn để xét.

Mặt khác, để trúng tuyển vào đại học, theo quy định thí sinh phải tốt nghiệp Trung học phổ thông, vì vậy dù thí sinh có rất xuất sắc, thi được điểm tối đa cũng không thể xét trúng tuyển đại học.

"Nếu tâm lý chỉ muốn thi cho quen thì thí sinh nên làm đề thi tham khảo. Vì đề thi tham khảo cũng được làm trên máy và hình thức giống như thi thật. Điều này giúp thí sinh làm quen với cách thức làm bài, thời gian làm bài. Không khuyến khích học sinh lớp 10 và 11 thi nếu chỉ để làm quen" - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ làm bài thi trên máy tính, câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn 1 trong 4 đáp án) và câu hỏi điền đáp án, thời gian làm bài 195 phút, thang điểm là 150 điểm. Sau khi kết thúc một phần, thí sinh không thể quay lại phần đó nữa, hệ thống sẽ chuyển sang phần 2 cho thí sinh làm tiếp.

Đề thi gồm 3 hợp phần: Phần 1: Tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút; Phần 2: Tư duy định tính có 50 câu hỏi, 60 phút; Phần 3: Khoa học gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi với quy mô 10.000 thí sinh, chia thành 6 đợt/năm, trong đó đợt 1 dự kiến bắt đầu ngày 8 và 9.5 và đến hết tháng 7.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn