MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình dự thi KHKT dành cho học sinh được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: Quang Đại

Thi khoa học kĩ thuật cần được tổ chức hoàn toàn tự nguyện

QUANG ĐẠI LDO | 26/11/2023 21:02

Để Hội thi khoa học kĩ thuật diễn ra một cách thực chất, cần bảo đảm nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện trong việc tham dự của các cơ sở giáo dục.

Bộ GDĐT vừa có dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để xin ý kiến đóng góp từ cơ sở.

Theo chuyên gia Lê Văn Vỵ (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), dự thảo quy chế do Bộ GDĐT có một số điểm mới nhưng về cơ bản vẫn là “bình mới rượu cũ”.

Theo chuyên gia này, từ trước đến nay, cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh có nhiều biến tướng tiêu cực và để lọt nhiều dự án “có vấn đề” là do hai lỗ hổng nghiêm trọng: chưa bảo đảm tính tự nguyện dự thi của các cơ sở giáo dục và chưa đưa khả năng ứng dụng thực tiễn trở thành tiêu chí đánh giá quan trọng nhất khi chấm dự án. Do đó, để cuộc thi đi vào thực chất, cần xây dựng quy chế mới khắc phục triệt để hai vấn đề nói trên.

Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ảnh: Hải Đăng

Qua ghi nhận từ thực tế, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phản ánh tình trạng buộc phải có dự án tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật do sự chỉ đạo, giao chỉ tiêu từ cấp trên. Nếu nhà trường, cơ sở giáo dục không có dự án tham gia, sẽ bị phê bình, chỉ trích, hạ thi đua. Do đó, nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên, giáo viên phải tìm cách có đề tài, có học sinh thực hiện dự án để dự thi.

Một thực tế khác là đã hàng chục năm trôi qua, với hàng chục nghìn dự án của học sinh trên cả nước tham gia thi và đạt giải từ cấp trường đến cấp quốc tế, nhưng cho đến nay, chưa thấy Bộ GDĐT công bố dự án nào có ứng dụng thực tế, được cấp bằng sáng chế hay được doanh nghiệp mua, được sản xuất thành hàng hóa bán ra thị trường.

Nguyên nhân do khả năng ứng dụng thực tiễn chưa trở thành tiêu chí quan trọng nhất trong bộ tiêu chí đánh giá dự án, trong khi phần hình thức trình bày và trả lời phỏng vấn chiếm đến 35% số điểm. Đây là nguyên nhân dẫn đến "lọt lưới" hàng nghìn dự án không có khả năng ứng dụng vẫn đạt giải.

Từ đó, nhiều giáo viên kiến nghị Bộ GDĐT xây dựng quy chế Hội thi khoa học kĩ thuật bảo đảm nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện tham gia của các cơ sở giáo dục.

“Cần nghiêm cấm mọi hình thức giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại thi đua liên quan đến cuộc thi. Lãnh đạo ngành giáo dục không được phê bình các cơ sở không dự thi, bởi vì cuộc thi dựa trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với khả năng thực tế của học sinh” - nhà giáo Trần Ngọc Hà (Hà Tĩnh) trao đổi.

Đồng thời, theo nhà giáo Trần Ngọc Hà, quy chế cần thiết kế lại tiêu chí đánh giá dự án, đưa khả năng ứng dụng trở thành tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất.

“Nếu không bảo đảm được nguyên tắc tự nguyện tham gia của các nhà trường và không đưa khả năng ứng dụng thành tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá dự án, thì Hội thi khoa học kĩ thuật sẽ vẫn không tránh khỏi vòng luẩn quẩn của tính chất hình thức và tiềm ẩn tiêu cực, không trung thực” - nhà giáo Trần Ngọc Hà khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn