MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành đào tạo mới

Tường Vân LDO | 20/03/2023 16:22

Mùa tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ xuất hiện thêm nhiều ngành học mới ở các trường đại học. Điều thí sinh băn khoăn là có nên lựa chọn các ngành mới này.

Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học có xu hướng mở thêm ngành nghề đào tạo mới theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, có tính xu thế và tiếp cận quốc tế.

Đa số các ngành mới mở đều là ngành "hot" trong các mùa tuyển sinh. Điều này chứng tỏ, các trường đại học có xu hướng đào tạo dựa theo nhu cầu của thị trường.

Chẳng hạn, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dự kiến mở mới 5 ngành năm 2023

Cụ thể: Công nghệ tài chính; Khoa học dữ liệu; Luật; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Thương mại điện tử.

Trường Đại học Công nghệ miền Đông thông báo mở thêm 4 ngành mới là Điều dưỡng, Ngôn ngữ Trung, Công nghệ Tài chính và Digital Marketing.

Năm 2023, Trường Đại học Thuỷ Lợi cũng dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường.

Về phía người học, không ít người băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường và liệu có nên "mạo hiểm" đăng ký vào các ngành nghề mới hay không.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay, có rất nhiều ngành mới được mở ra để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, cô Hương khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở. 

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ những thông tin về các ngành đào tạo để phụ huynh, học sinh nắm rõ.

Do đó, trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo mình cân nhắc cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4 năm học, chuẩn đầu ra là gì?

“Không nên chỉ dựa vào tên của ngành đào tạo để lựa chọn. Các em còn cần đọc khung chương trình học của cả 4 năm để hiểu rõ nội hàm, kiến thức được học, thậm chí giảng viên sẽ giảng dạy mình” – cô Hương khuyên thí sinh.

Bên cạnh đó, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ năm 2020 đến 30.7.2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ GDĐT mở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn