MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thí sinh có nên chọn chương trình định hướng Chứng chỉ quốc tế?

Vân Trang LDO | 24/07/2024 11:59

Nên chọn ngành nghề đào tạo truyền thống hay chương trình liên kết, chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế? Đây là câu hỏi nhiều thí sinh quan tâm hiện nay.

Cùng với các ngành nghề đào tạo truyền thống có thế mạnh, hiện nay nhiều trường đại học đẩy mạnh các chương trình liên kết cùng những trường đại học hàng đầu trên thế giới, các chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế...

Chẳng hạn, tại Học viện Tài chính, năm 2024, học viện tuyển sinh 4.500 chỉ tiêu (tăng 300 chỉ tiêu so với năm 2023), trong đó 1.280 chỉ tiêu cho chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế (CCQT) và 120 chỉ tiêu cho chương trình DDP liên kết với đại học Greenwich (Vương quốc Anh) theo 5 phương thức xét tuyển.

Chương trình định hướng CCQT của Học viện gồm 6 chuyên ngành: Hải quan và Logistics (theo định hướng FIATA); Phân tích tài chính (theo định hướng ICAEW); Tài chính doanh nghiệp (theo định hướng ACCA); Kế toán doanh nghiệp (theo định hướng ACCA); Kiểm toán (theo định hướng ICAEW); Digital Marketing (theo định hướng ICDL).

Hay tại Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 6 chương trình cử nhân liên kết đào tạo với nước ngoài, gồm 3 ngành do đối tác cấp bằng; 2 ngành (chương trình song bằng) do đối tác và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cấp bằng; 1 ngành do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng.

Em Quốc Khánh (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) - thí sinh vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nói rằng, em cũng đã tìm hiểu và đang tham khảo 1 số chương trình tiên tiến, chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế tại các trường đại học.

"Ở 1 số trường, điểm chuẩn chương trình tiên tiến, chứng chỉ quốc tế thấp hơn chương trình chuẩn, số lượng học viên/lớp ít hơn, nhưng học phí cao hơn chương trình thường" - Quốc Khánh nói.

Nam sinh cho rằng, ngoài yếu tố học phí, điều khiến em quan tâm là chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm, môi trường học tập... sau khi tốt nghiệp.

Thí sinh tìm hiểu thông tin, đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các chương trình đào tạo tại Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính năm 2024 trong ngày Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024

TS Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, với chương trình quốc tế tại Học viện Tài chính nói chung và của Học viện Tài chính nói riêng, học phí cao hơn so với chương trình chuẩn. Nhưng sau 4 năm, hành trang sinh viên có "nặng" hơn rất nhiều so với sinh viên hệ đào tạo chuẩn.

This browser does not support the video element.

TS Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) chia sẻ lý do vì sao các chương trình đào tạo mang tính quốc tế nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh.

"Tại Học viện Tài chính, với các chương trình DDP, sau 4 năm ra trường, sinh viên không chỉ nắm trong tay cả 4 chuyên ngành: Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán mà còn tự tin với IELTS 6.0 và 9 môn F do ACCA công nhận.

Chính vì vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 98%, trong đó có khoảng 10% các bạn làm việc tại các cơ quan nhà nước; khoảng 35% các bạn làm ở Big4 kế kiểm và nếu tính cả Big4 ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty thì con số này lên tới gần 65%" - TS Trịnh Thanh Huyền đưa ra dẫn chứng.

Trải qua 8 khóa đào tạo, chương trình đã tuyển sinh được tổng số 870 sinh viên, gần 300 sinh viên đã tốt nghiệp, bao gồm cả sinh viên tốt nghiệp tại Vương quốc Anh và tại Học viện.

Về học phí, TS Trịnh Thanh Huyền cho biết, 3 năm đầu học tại Viện ĐTQT (trong nước), học phí là 210 triệu đồng, tương đương 70 triệu đồng mỗi năm học. Học phí năm cuối đối với sinh viên học tại Viện ĐTQT là 70 triệu đồng; đối với sinh viên học tại Trường Đại học Greenwich là 490 triệu đồng. Mức học phí trên ổn định toàn khóa, việc thay đổi chỉ áp dụng cho các khóa tiếp theo.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, để lựa chọn chương trình liên kết quốc tế chất lượng và được Nhà nước công nhận, thí sinh cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng.

Theo đó, thí sinh cần quan tâm đến khâu kiểm định chất lượng, có xếp hạng càng cao càng tốt. Nếu chất lượng không tốt thì tấm bằng tốt nghiệp sẽ không có giá trị.

Người học nên vào web của trường nước ngoài để xem kết quả xếp hạng và kiểm định, tiếp đó đánh giá độ uy tín của trường đại học ở Việt Nam. Nếu 2 bên liên kết đều là những trường đạt chuẩn chất lượng mới nên đăng ký.

Đặc biệt, người học phải tìm hiểu kỹ cơ hội nghề nghiệp, cơ hội học tiếp ở trình độ cao hơn; thông tin về chi phí… Bất cứ trường nào cũng có cộng đồng những người đã tốt nghiệp và đi làm, đó làm một kênh tiếp nhận thông tin rất tốt cho người học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn