MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển Trường Đại học Thương mại năm 2024

Vân Trang LDO | 18/03/2024 17:54

Năm 2024, Trường Đại học Thương mại tăng chỉ tiêu, mở thêm 8 ngành đào tạo.

Trường Đại học Thương mại (TMU) đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Năm nay, trường tuyển 4.950 sinh viên cho 38 chương trình đào tạo (tăng khoảng 50 chỉ tiêu so với năm ngoái).

Trong đó, 8 chương trình thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm Quản trị kinh doanh, Marketing thương mại, Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Logistics và xuất nhập khẩu, Thương mại quốc tế, Tài chính - Ngân hàng thương mại, Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Quản trị khách sạn. Những chương trình này được xây dựng dựa trên chương trình chuẩn, chất lượng cao của trường.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Thương mại - thông tin, các phương thức tuyển sinh của trường năm nay về cơ bản ổn định như năm 2023, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024; xét học bạ ba năm (chỉ áp dụng với học sinh trường chuyên); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; xét tuyển kết hợp.

Sinh viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: TMU

"Nhà trường điều chỉnh kỹ thuật ở 1 số điểm nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho thí sinh. Đồng thời, điều chỉnh thời gian xét tuyển sớm hơn so với dự kiến" - ông Trung nói.

This browser does not support the video element.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Thương mại chia sẻ về điểm mới trong phương án tuyển sinh của trường năm 2024. Video: Vân Trang

Chia sẻ thông tin về 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), ông Trung cho biết, các chương trình này được xây dựng dựa trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà tuyển sử dụng lao động và yêu cầu vị trí việc làm cụ thể của doanh nghiệp.

Sinh viên theo học các ngành này sẽ được đào tạo toàn diện bao gồm những kiến thức liên ngành liên quan trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý cũng như năng lực sử dụng ngoại ngữ.

"Một phần ba học phần trong chương trình đào tạo IPOP được đào tạo bằng tiếng Anh. Sau khi các em ra trường, kiến thức chuyên môn sâu, cùng năng lực ngoại ngữ sẽ giúp các em có lợi thế cạnh tranh với sinh viên của các trường khác trong thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn quốc tế" - ông Trung nói và cho biết thêm, trường không yêu cầu trình độ tiếng Anh của sinh viên ở đầu vào nhưng sẽ kiểm tra khả năng tiếng Anh của sinh viên. Những sinh viên chưa đủ năng lực ngoại ngữ để học bằng tiếng Anh sẽ được đào tạo nâng cao trình độ. Do đó, sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.

Trường Đại học Thương mại cũng công bố mức học phí năm 2024 - 2025. Theo đó, học phí dao động 24-26 triệu đồng với chương trình chuẩn, định hướng nghề nghiệp, 35 triệu đồng với chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn