MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Huyên Nguyễn

Thí sinh sốc nặng khi 25 điểm vẫn trượt đại học

Huyên Nguyễn LDO | 17/09/2021 08:41

Hai ngày sau công bố điểm chuẩn, Hoàng Thu Giang (một nữ sinh tại Thái Bình) vẫn chưa thể vượt qua cú sốc "đầu đời" rằng mình đã trượt đại học dù em được 25 điểm và đăng ký 8 nguyện vọng.

Điểm cao vẫn trượt đại học 

Nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, Hoàng Thu Giang khá vui mừng khi em được 25 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hoá). Với mức điểm này, Giang tự tin đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin và ngành Kinh tế. Em sắp xếp nguyện vọng ưu tiên hai nhóm ngành này có mức điểm tương đương điểm của mình năm trước, sau đó thêm nguyện vọng vào một số ngành "chống trượt" với mức điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm của Giang vài điểm.

“Sau khi nghiên cứu điểm chuẩn của năm 2020, em khá tự tin khi đăng ký nguyện vọng năm nay ở tổ hợp A00 vào các ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin. Thế nhưng sau khi xem điểm chuẩn năm 2020, em mới tá hỏa vì cả 8 nguyện vọng của em đều trượt hết. Ngay cả ngành “chống trượt” cũng tăng gần 3 điểm so với năm ngoái", Giang chia sẻ.

Giang kể thêm: "Em không thể tin nổi vào mắt mình khi chỉ thiếu 0,25 điểm để đỗ nguyện vọng số 8, còn nguyện vọng số 7 vào Quản trị Kinh doanh của Học viện Chính sách và Phát triển cũng tăng 3 điểm nên em cũng thiếu 0,5 điểm”, Giang nói.

Chuyện 25 điểm trượt đại học cũng là tin "động trời" nhất ở làng quê của Giang trong 2 ngày qua. Giang buồn khóc hết nước mắt, còn mẹ thì chỉ lắc đầu.

"Ở quê em vẫn còn nặng nề chuyện đỗ và trượt đại học lắm. Nhất là khi em vẫn được tiếng là học giỏi nay lại trượt đại học. Nhiều người không hiểu cũng bàn ra tán vào. Em thực sự rất áp lực", Giang chia sẻ.

Với một cô gái 18 tuổi, có lẽ đây là cú sốc "đầu đời" mà em sẽ không thể nào quên. Giờ đây Giang chơ vơ đứng giữa ngã ba đường, học nghề thì em chưa hề suy nghĩ tới trước đó, học ngoài công lập thì gia đình không đủ kinh tế để đóng học phí. Trong khi đó, chờ các trường xét tuyển đợt 2 cũng là hy vọng mong manh bởi trường có tiếng thì đều đã "hòm hòm", hầu như các trường chưa có tín hiệu sẽ tuyển bổ sung đợt 2. 

Câu chuyện của Giang không phải là hy hữu trong đợt xét tuyển đại học năm nay. Thực tế, đã có không ít học sinh rơi vào tình cảnh này.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Đình Hải

Thầy giáo Đỗ Ngọc Hà - một giáo viên chuyên luyện thi môn Vật lí tại Hà Nội chia sẻ: “Rất nhiều học trò năm nay nhắn tin cho tôi rằng, các bạn ấy trượt tất cả nguyện vọng.

Một bạn đặt 10 nguyện vọng, điểm thi đã cao hơn điểm chuẩn năm 2020 của nguyện vọng thứ 10 tận 5 điểm nhưng cuối cùng vẫn trượt. Đặc biệt, một bạn thi được 27 điểm khối A01 vẫn trượt tất cả nguyện vọng vì đăng ký vào các trường "top" và tự tin vào điểm thi của mình quá dẫn đến kết quả đáng buồn", ông Hà chia sẻ.

Nam giáo viên cho biết, dù mới có điểm chuẩn nhưng ông đã nhận được rất nhiều đăng ký sẽ ôn thi lại. Đa phần trong số đó là các thí sinh trượt hết tất cả các nguyện vọng hoặc đỗ “ép” vào các trường các bạn ấy không mong muốn dẫn đến tâm lí chán nản nên quyết định thi lại vào năm sau.

"Tôi khuyên các bạn ấy nên suy nghĩ, nghỉ ngơi vài ngày, hỏi ý kiến người thân xem có nên thi lại không hay có thể học ở trường “đậu ép” đó. Suy nghĩ chín chắn rồi thì hãy quyết định", ông Hà bày tỏ.

Khó ai nghĩ 27-28 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1

Chia sẻ về thực tế tuyển sinh năm nay, bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trong 2 năm gần đây, điểm chuẩn mỗi năm nhìn chung đều có sự tăng nhẹ.

Tuy nhiên, cũng có một số ngành tại các trường tăng 4-5 điểm, thậm chí là 8-9 điểm. Điều này dẫn đến tình trạng có những thí sinh dù điểm cao, đã đặt nhiều nguyện vọng nhưng vẫn trượt những nguyện vọng yêu thích, thậm chí là trượt hết tất cả các nguyện vọng.

Bà Na chỉ ra rằng, vì điểm chuẩn tăng đột biến ngoài dự đoán nên nhiều thí sinh điểm cao lại quá tự tin nên đăng ký ít nguyện vọng.

Mọi năm, học sinh thường đăng ký theo nguyên tắc chênh lệch với điểm thi khoảng 3 điểm là sẽ có cơ hội đỗ cao nhưng năm nay, nguyên tắc này không còn chuẩn xác.

"Năm nay, các gia đình không hề có chuẩn bị trước, cứ nghĩ đến 27-28 điểm là ổn rồi. Trừ khi các bố mẹ làm trong ngành Giáo dục hoặc có con học rồi thì mới có thể tỉnh táo để điều chỉnh nguyện vọng được. Còn lại đa phần ai cũng nghĩ đến mức điểm đó là chắc đỗ nguyện vọng 1 rồi", bà Na nói.  

Theo bà Na, cơ bản so với tổng số thí sinh dự thi thì số lượng các em điểm cao nhưng vẫn trượt đại học có thể không nhiều. Tuy nhiên, cũng đáng để xem xét.

Những thí sinh điểm cao khoảng từ 25 điểm trở lên thì tỉ lệ trượt các nguyện vọng đầu sẽ đáng kể. Con số cụ thể là bao nhiêu thì Bộ GDĐT nên có tổng kết chính thức để từ đó đưa ra định hướng, chính sách phù hợp trong việc ra đề thi, tuyển sinh.

* Tên học sinh được thay đổi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn